Ngày nay, với xu hướng ăn uống lành mạnh và bền vững, nhiều người đang chuyển sang sử dụng các thực phẩm thay thế cho lúa mì, đặc biệt là kiều mạch. Không chỉ nổi tiếng vì không chứa gluten, kiều mạch còn được mệnh danh là "siêu thực phẩm" nhờ giá trị dinh dưỡng vượt trội và lợi ích sức khỏe đa dạng.
Kiều mạch không phải lúa mì
Dù tên gọi có từ "wheat" (lúa mì), kiều mạch thực ra không phải là một loại ngũ cốc. Đây là hạt của một loại cây, tương tự quinoa, hạt được sử dụng như ngũ cốc nhưng không mọc từ các loài cỏ.
Kiều mạch thường được trồng ở các vùng có khí hậu ẩm, mùa vụ ngắn và nhiệt độ dao động quanh 20 độ C. Sau khi thu hoạch, kiều mạch được chế biến thành nhiều dạng như bột, mì hoặc groats (hạt giống quinoa khô) và được sử dụng trong các món ăn truyền thống ở châu Á và châu Âu.
Hiện nay, Nga, Trung Quốc, Ukraine, Ba Lan, Pháp và Hoa Kỳ là những quốc gia sản xuất kiều mạch hàng đầu thế giới.
Tại sao kiều mạch được coi là siêu thực phẩm?
Ngoài ưu điểm không chứa gluten, kiều mạch nổi bật nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chỉ 100 gram bột kiều mạch nguyên hạt cung cấp:
Vitamin và khoáng chất: Canxi, sắt, niacin, vitamin B6, biotin.
Khoáng chất quan trọng: 374 mg phốt pho, 414 mg kali, 203 mg magie.
Protein thực vật: 11 gram – một con số ấn tượng đối với thực phẩm không phải từ động vật.
Chất xơ: Gần 10 gram, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột, giảm cholesterol và ngăn ngừa táo bón.
Đặc biệt, kiều mạch chứa flavonoid như rutin và quercetin. Đây là những chất giúp củng cố mạch máu, giảm viêm và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch. Ngoài ra, hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong kiều mạch còn giúp giảm các gốc tự do, hỗ trợ phòng ngừa ung thư và làm chậm quá trình lão hóa.
Không chỉ tốt cho sức khỏe, kiều mạch còn là nguồn carbohydrate phức tạp giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, hỗ trợ quản lý cân nặng hiệu quả.
Có nên ăn kiều mạch hàng ngày?
Với những lợi ích dinh dưỡng vượt trội, kiều mạch hoàn toàn có thể được sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên duy trì sự đa dạng trong chế độ ăn, bởi mỗi loại ngũ cốc mang lại những lợi ích riêng biệt.
Việc tiêu thụ quá nhiều kiều mạch cũng có thể gây đầy hơi hoặc táo bón do hàm lượng chất xơ cao. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với kiều mạch, vì vậy cần thử nghiệm từng chút một trước khi bổ sung vào chế độ ăn thường xuyên.
Ứng dụng kiều mạch trong bếp ăn gia đình
Kiều mạch là nguyên liệu linh hoạt, có thể thay thế lúa mì trong nhiều món ăn như bánh mì, bánh kếp, hoặc làm mì soba một món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản. Hạt kiều mạch nguyên vỏ cũng có thể được nấu như gạo hoặc quinoa, làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!