Xây dựng chính sách vượt trội hỗ trợ người bị tác động khi sắp xếp tổ chức, bộ máy

VTV Times-Thứ tư, ngày 11/12/2024 23:04 GMT+7

VTV.vn - Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị hiện đang được các bộ ngành địa phương gấp rút triển khai.

Các đơn vị đều đã xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng, không chỉ là về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Thời điểm này, các bộ, ngành địa phương đều đã quán triệt tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở". Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém. Mục tiêu phải đạt được là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Thực hiện nhiệm vụ này, từng cơ quan, đơn vị cũng phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Xây dựng chính sách vượt trội hỗ trợ người bị tác động khi sắp xếp tổ chức, bộ máy - Ảnh 1.

Địa phương quyết tâm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 đã trở thành một chủ trương quan trọng, chuyển từ lời nói thành hành động trong thời gian ngắn. Trung ương đã điều hành quyết liệt, làm gương cho các địa phương. Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang tích cực, chủ động triển khai những giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Trung ương.

Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, chính trị, tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, nhấn mạnh: "Yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành quán triệt sâu sắc, đầy đủ tinh thần sắp xếp bộ máy, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức nắm được chủ trương. Xác định vì sự phát triển chung. Quán triệt cán bộ tích cực làm việc, không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc, nhất là công việc liên quan đến người dân…".

Tại các hội nghị, tinh thần chung được quán triệt rõ ràng: Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hành động đòi hỏi sự dũng cảm và tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

Xây dựng chính sách vượt trội hỗ trợ người bị tác động khi sắp xếp tổ chức, bộ máy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. VGP

Chính sách vượt trội để sắp xếp tổ chức, bộ máy

Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng đặt kỳ vọng vào chính sách vượt trội để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.

Theo định hướng tinh gọn bộ máy của Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia sẽ được sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng thời, đơn vị này phải thu gọn 15 đến 20% đầu mối bên trong, dẫn đến việc nhiều vị trí làm việc bị tác động và một số cán bộ sẽ phải nghỉ việc. Những đơn vị bị dừng hoạt động dự kiến có số người bị ảnh hưởng nhiều hơn. Để đảm bảo quá trình này diễn ra thuận lợi, Trung ương yêu cầu xây dựng chính sách vượt trội nhằm ổn định tâm lý và đời sống cho cán bộ.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng: "Chúng ta đủ điều kiện về ngân sách để giải quyết cho những người phải rời vị trí. Mặc dù họ có thể không hài lòng 100%, nhưng nếu giải quyết hài hòa, nhất là đối với những cán bộ đã công tác từ 15-20 năm trở lên, thì đó là một chính sách vượt trội."

Việc tiến hành cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy cần công cụ thực hiện phù hợp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho những người bị tác động.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định: "Nếu như chúng ta có cơ chế chính sách thực sự vượt trội và thực sự phù hợp thì tôi cho rằng sẽ động viên được các đối tượng thuộc diện dư dôi, người ta sẽ cân nhắc, tính toán thấy rằng. Nếu phải rời bỏ khu vực nhà nước người ta vẫn được hưởng các cơ hội mới mà có thể nó không bị thiệt thòi so với việc người ta vẫn đang làm việc ở nhà nước".

TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề xuất: "Chúng ta phải tính đến việc thành lập các quỹ tài chính trong đó có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để tạo điều kiện vật chất cho cán bộ công chức, viên chức khi rời khỏi khu vực công do sắp xếp tinh gọn bộ máy, nếu người ta có nhu cầu khởi nghiệp có thể vay tiền cái quỹ này".

Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh đã dành 175 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ những đối tượng dôi dư sau sắp xếp tinh gọn bộ máy. Các địa phương khác cũng đang xây dựng chính sách tương tự. Ở cấp Trung ương, một nghị định về chế độ chính sách cho cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm hoặc nghỉ hưu theo nguyện vọng dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 20 tháng này. Dư luận kỳ vọng chính sách này sẽ thực sự "vượt trội" để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động bị ảnh hưởng, đồng thời giữ chân người tài.

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ tạo sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tạo đòn bẩy để bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên khi thực hiện chủ trương này, cũng cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước