Sớm nhưng không nhanh, "Vừa chạy vừa xếp hàng"
"Như Tổng Bí thư đã nói, để mất cơ hội là có lỗi với nhân dân. Bởi, chúng ta đang chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, nếu chờ đại hội xong mới tổng kết thì không ‘ăn khớp’, lỡ thời cơ để chuyển mình bước sang giai đoạn mới với tâm thế mới và điều kiện mới" – đó là phát biểu của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khi nói về chủ trương tinh gọn bộ máy đều nằm trong quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết 18 đã đặt ra từ năm 2017.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng việc tinh gọn bộ máy cần phải làm ngay theo tinh thần chỉ đạo của trung ương, làm "vừa chạy vừa xếp hàng" - nhanh nhưng trật tự, không gây xáo trộn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thông thường một nghị quyết lớn sẽ sơ kết sau 5 năm và tổng kết sau 10 năm. Song như tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, thời điểm hiện nay đã đủ để thực hiện chuyển đổi, chuẩn bị tâm thế, điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới. Nếu chờ đến năm 2027 mới tổng kết thì không kịp và mất cơ hội.
Từ đó, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ phải suy nghĩ làm thế nào để tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả. Phải làm mọi cách để thực hiện chủ trương lớn này, "bàn làm chứ không bàn lùi". Nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, thành phố và người dân lên trên thì mọi nỗi lo liên quan đến bản thân mình đều nhẹ nhàng, có thể vượt qua được.
Sở dĩ nói như vậy bởi trong quá trình sắp xếp, sẽ có những cá nhân bị tác động, nhưng tác động này chắc chắn sẽ mang ý nghĩa lớn lao vì lợi ích chung của tập thể.
Chấn nhận thay đổi vị trí, thậm chí rời vị trí để đất nước phát triển cũng là việc làm ý nghĩa. Khi lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết, những vấn đề cá nhân hay tổ chức sẽ không còn là trở ngại lớn – đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Cho tới thời điểm hiện tại, cùng với các địa phương trên cả nước, TP Hồ Chí Minh đã có những định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh.
80 phường sáp nhập trong vòng 1 tháng
Thực hiện Nghị quyết số 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, bắt đầu từ ngày 1-31/12, TP Hồ Chí Minh bước vào Giai đoạn 1 của quá trình thực hiện Nghị quyết khi các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận sẽ tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập bộ máy các tổ chức đảng, chính trị - xã hội; Chỉ định ban chấp hành, bí thư, phó bí thư các phường và chủ trương nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường mới. Từ cơ sở 81 phường, sẽ hình thành 41 phường mới. Đây là đợt sắp xếp phường có quy mô lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay.
80 phường khi sắp xếp sẽ dôi dư 1.022 người, khoảng 1/3 nhân sự hiện có. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư phải theo lộ trình, ưu tiên bố trí cán bộ tại địa phương. Đồng thời áp dụng các chính sách hỗ trợ cho cán bộ.
Ngày 4/12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức hội nghị triển khai việc tổng kết Nghị quyết 17/2017, thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương bám sát chỉ đạo của Trung ương. Trong đó tổ chức Đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và 24 Đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ Khối Chính quyền; Về khối chính quyền, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác trực thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì thành phố có sở đấy. Từ phương án này, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm 8 Sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP Hồ Chí Minh.
Chi hỗ trợ thêm 175 tỷ đồng hàng năm với các trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế
Song hành với công cuộc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, TP Hồ Chí Minh cũng đang quyết tâm thực hiện những chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng, nghỉ do tinh giản biên chế, nghỉ do dôi dư sắp xếp đơn vị hành chính hoặc nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện về tái cử, nghỉ công tác trước tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế trên địa bàn…
Cụ thể, với các trường hợp tinh giản biên chế tại Điều 5, Nghị định 29 của Chính phủ, TP đề xuất trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương.
TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuẩn bị cho nhiệm vụ tinh gọn bộ máy cần hoàn thành trước ngày 1/1/2025. Ảnh minh họa
Với trường hợp tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 29, thành phố đề xuất trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương.
Với trường hợp tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định 29, thành phố đề xuất trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương. Trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất chế độ hỗ trợ thêm với các trường hợp hưởng chính sách thôi việc ngay; nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh; nghỉ hưu trước tuổi do bất khả kháng hoặc nghỉ việc ngay không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Về nguồn kinh phí thực hiện, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các hội có tính chất đặc thù và đơn vị sự nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước bố trí dự toán kinh phí.
Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị tự chủ tài chính do đơn vị chi trả từ nguồn cải cách tiền lương và nguồn thu của đơn vị. Tổng ước dự kiến ngân sách TP Hồ Chí Minh cần đảm bảo hằng năm cho các khoản hỗ trợ thêm là gần 175 tỉ đồng.
Thực hiện chính sách thu hút người tài, làm tốt vai trò "đầu tàu" kinh tế
Một trong những khó khăn của các địa phương, không riêng gì TP Hồ Chí Minh, trong việc tuyển dụng người tài là do chính sách tiền lương, chế độ phúc lợi chưa tương xứng với chất xám, công sức, trí tuệ của họ... Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị quyết 98 đã cho phép TP Hồ Chí Minh được "Quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của thành phố; quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thành phố".
Với cơ chế, chính sách đã ngộ vượt trội, hấp dẫn như vậy; thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động hơn nữa trong việc thu hút được nhiều người tài không chỉ ở các địa phương ở trong nước mà cả những người tài của Việt Nam đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài về lao động, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của thành phố cũng như của đất nước.
TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chính sách mới để đầu tư, thu hút nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, thu hút ít nhất 10% nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước và là một trong 5 địa phương đi đầu của cả nước trong các chỉ số về thu hút và phát triển nhân tài, cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã quán triệt quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, có tính chiến lược, là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công. Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò, sự cống hiến và đóng góp của nhân tài, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển địa phương, đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án về thu hút và trọng dụng nhân tài, gắn với các chương trình đột phá, chương trình trọng điểm mà thành phố đang thực hiện. Đổi mới công tác tuyển chọn để nguồn cán bộ đưa vào chương trình phải là những cán bộ có năng lực, tâm huyết cho sự phát triển chung của thành phố; tăng cường bố trí cán bộ trẻ về công tác ở xã, phường, thị trấn; luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển đã được quy hoạch dự bị các chức danh về cơ sở để rèn luyện, thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn hoặc bố trí tiếp cận chức danh được quy hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!