Sáp nhập các phường để tinh gọn bộ máy
TP. Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch sáp nhập các phường để tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động hành chính. Quá trình này được chia làm hai giai đoạn với lộ trình rõ ràng, dự kiến hoàn tất trước đại hội đảng bộ cấp cơ sở vào năm 2025.
Trong giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến 31/12/2024), các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận sẽ tiến hành sắp xếp, thành lập và sáp nhập bộ máy các tổ chức đảng, chính trị - xã hội. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 1/1/2025, khi các phường mới đi vào hoạt động, các đơn vị sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở.
Dự kiến có 39 phường bị dôi dư cấp trưởng. Những cán bộ này sẽ được sắp xếp theo các phương án của quận, có thể điều động về các phòng ban hoặc chuyển sang làm công chức thay vì giữ chức vụ cán bộ.
Đối với các loại giấy tờ hành chính, lãnh đạo Thành phố yêu cầu các địa phương không thay đổi đồng loạt, tránh gây phiền hà cho người dân.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi sắp xếp, Thành phố còn 273 phường, xã, thị trấn và 22 đơn vị hành chính cấp huyện. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu, sau sắp xếp, phải đảm bảo cơ sở vật chất về giáo dục và y tế cho người dân địa phương. Đồng thời quản lý sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất khác, không để bỏ hoang phí.
Sáp nhập để phát triển bền vững
Tại tỉnh Quảng Nam, việc sắp xếp đơn vị hành chính đang được triển khai với kế hoạch giảm 1 huyện và 8 xã. Đây không chỉ là bước tinh gọn bộ máy, mà còn hướng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, tránh lãng phí tài sản công và hạn chế phát sinh tiêu cực.
Huyện Nông Sơn sẽ được sáp nhập trở lại huyện Quế Sơn sau 15 năm tách ra. Với dân số hơn 35.000 người, việc sáp nhập được phần lớn người dân đồng tình. Tuy nhiên, băn khoăn nhất của người dân huyện Nông Sơn vẫn là điều chỉnh giấy tờ sau sáp nhập.
Theo lãnh đạo huyện Nông Sơn, công tác sáp nhập vào huyện Quế Sơn rất thuận lợi. Người dân không phải tốn kém chi phí khi điều chỉnh các giấy tờ cần thiết. Riêng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, phương án sẽ phiên ngang vị trí tương đương dựa trên tinh thần tự nguyện là chính. Sử dụng tài sản công dôi dư sau sáp nhập cũng được huyện tính toán kỹ nhằm tránh lãng phí.
Trước khi sáp nhập, lãnh đạo huyện Nông Sơn đã chủ động điều chuyển cán bộ, công chức sang các sở, ngành và huyện khác trong tỉnh. Nhờ đó, từ 72 công chức, nay huyện chỉ còn 47 người.
Với phương châm, làm việc đến ngày cuối cùng, hiện nay, những cán bộ công chức còn lại gần như hoàn thành công tác sáp nhập, đồng thời vẫn giải quyết công việc hành chính hằng ngày. Khối lượng công việc có thể tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây
Ngoài công tác nhân sự, quản lý tài sản, các phòng ban đã hoàn thiện số hóa hồ sơ, đóng góp và sẽ chuyển giao về huyện Quế Sơn ngay trong ngày đầu sáp nhập.
Đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập hành chính
Trong quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính, một trong những vấn đề quan trọng là giải quyết hợp tình, hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư. Thành phố Cần Thơ đang lấy ý kiến về chính sách hỗ trợ, với mục tiêu đảm bảo tính nhân văn và sự đồng thuận cao từ các bên liên quan.
Theo dự thảo, cán bộ, công chức, viên chức nếu tự nguyện nghỉ việc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp sẽ được nhận trợ cấp bằng ½ tháng lương hiện hưởng cho mỗi tháng nghỉ trước khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc lộ trình sắp xếp. Nếu nghỉ sau 12 tháng, mức hỗ trợ sẽ giảm xuống còn ¼ tháng lương hiện hưởng. Tuy nhiên, quy định này đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đối tượng liên quan.
Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, việc sáp nhập 4 phường An Phú, An Cư, An Nghiệp và Thới Bình thuộc quận Ninh Kiều thành một phường mới sẽ tạo áp lực rất lớn, với ước tính khoảng 180 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư cần được giải quyết.
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, khẳng định mục tiêu là hỗ trợ tối đa để cán bộ yên tâm: "Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, công chức, viên chức an tâm với chế độ chính sách được hưởng, qua đó giúp việc sắp xếp diễn ra suôn sẻ".
Có thể nói, ngoài chế độ theo quy định của Chính phủ, chính sách hỗ trợ của TP Cần Thơ sẽ giúp cán bộ dôi dư có thêm 1 khoản thu nhập để yên tâm ổn định cuộc sống. TP phấn đấu giải quyết chế độ, chính sách dứt điểm trong 1-2 năm so với lộ trình 5 năm.
Nhờ tập trung cho công tác chuẩn bị, có thể thấy các địa phương đều đã sẵn sàng triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Vận hành đơn vị hành chính mới sau sáp nhập và không để xáo trộn, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!