Khánh Hòa là địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 12. Tỉnh đã rà soát hơn 170 điểm có nguy cơ sạt lở, tính toán phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, nhất là với 15 hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng.
Có 2 vấn đề được đặc biệt quan tâm vào lúc này. Đó là không để người dân ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản và di dời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ai không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, vì sự an toàn của chính người dân.
Cán bộ vận động người dân di dời trong đêm.
Phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang là nơi có khá nhiều ngôi nhà xây dựng dưới chân núi. Đây cũng chính là khu vực xảy ra hiện tượng sạt lở núi vùi lấp 4 người trong 1 gia đình của 2 năm trước. Vết tích của trận bão lũ kinh hoàng đó vẫn còn khá nguyên vẹn ở bãi đất này. Tuy nhiên, khi các cơ quan đến vận động di dời để đảm bảo an toàn, không ít người đã cố ở lại giữ tài sản.
Vết tích vụ sạt lở 2 năm trước vẫn còn nguyên.
Tính đến 22h ngày 9/11, các cơ quan chức năng ở thành phố Nha Trang đã tổ chức di dời hàng ngàn người dân đến nơi an toàn. Lực lượng vũ trang và các tổ chức hội đoàn thể tổ chức đi kiểm tra thường xuyên để không một người dân nào trở về nhà khi bão chưa kết thúc.
Bão số 12 dự kiến đổ bộ vào Khánh Hòa kèm theo lượng mưa khá lớn. Tuy nhiên, trong tối 9/11, lượng mưa đo được ở nhiều địa phương chỉ phổ biến từ 50 - 80 mm. Dù vậy, các cơ quan chức năng ở tỉnh Khánh Hòa vẫn không chủ quan, tổ chức ứng trực 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong các tình huống xấu nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!