Không có chốt gác đã đành nhưng ngay cả thiết bị đảm bảo an toàn chạy tàu cũng chỉ lắp đặt tạm bợ tại một diện tích nhỏ do đơn vị thuê của người dân. Như vậy, liệu có đảm bảo an toàn chạy tàu?
Cũng như bao gác chắn đường ngang khác, khi có tín hiệu, nhân viên trực đã khẩn trương mang thiết bị phòng vệ theo quy định thực hiện các thao tác đón tàu. Tuy nhiên, với các nhân viên gác chắn tại đường ngang Km 25+200 ở xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội thực sự rất khó khăn. Áp lực về đảm bảo an toàn chạy tàu rất lớn.
Nghịch lý này xảy ra là do chốt gác trước đây của đường ngang bị xuống cấp. Đơn vị đã xin phép tháo dỡ để xây dựng lại. Nhưng 2 năm đã trôi qua, việc xây dựng lại chốt gác trên nền đất cũ không triển khai được do người dân ở đây ngăn cản.
Để đảm bảo an toàn chạy tàu, ngành đường sắt phải thuê nhà của người dân để tạm thời làm nhà gác. Diện tích nhỏ không đủ không gian để lắp đặt thiết bị. Những dụng cụ phòng vệ cần có của một chốt gác đường ngang buộc phải để ở ngoài sân.
Ngành đường sắt đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị để xây dựng lại chốt gác nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hàng ngày, nhân viên gác chắn vẫn phải thực hiện đón tiễn hàng chục đoàn tàu trong điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, hệ thống thiết bị phòng vệ không đảm bảo. Trong khi đây là một đường ngang có mật độ phương tiện lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông sẽ ngày càng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!