Đã tròn nửa tháng kể từ khi Nghị định 168, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các biện pháp như trừ điểm và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe, được áp dụng trên toàn quốc. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, việc thực hiện Nghị định này đã mang lại những chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương đều ghi nhận giảm đáng kể so với trước đây.
Kể từ khi triển khai Nghị định 168, số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương đều ghi nhận giảm đáng kể so với trước đây
Từ ngày 1/1 đến 14/1, cả nước ghi nhận 681 vụ tai nạn giao thông, khiến 365 người thiệt mạng và 453 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, các con số này đã giảm đáng kể: hơn 34% ở số vụ và số người bị thương, hơn 11% ở số người tử vong. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông, việc tăng mức xử phạt đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều đã giảm rõ rệt, đặc biệt ở các đô thị lớn. Người tham gia giao thông ngày càng tự giác tuân thủ đèn tín hiệu, ngay cả khi không có lực lượng chức năng giám sát. Trong hai tuần qua, số trường hợp vi phạm giao thông giảm gần 23.000 so với thời gian liền kề trước đó. Đồng thời, số người bị thương và tử vong do tai nạn giao thông tại các bệnh viện cũng giảm đáng kể. Những con số này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức tham gia giao thông.
"Nghị định 168 kế thừa Nghị định 100, khắc phục những tồn tại như ùn tắc hay tình trạng nhờn luật. Những điểm mới như cấm lùi trên cao tốc, cấm xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lấn vỉa hè là mấu chốt tạo nên chuyển biến tích cực. Ví dụ, trong những ngày đội tuyển Việt Nam vô địch, người dân đã tự giác dừng xe khi đèn đỏ dù trong không khí lễ hội, hay trong giờ cao điểm khi đi làm, từ việc ùn tắc nghiêm trọng nay chỉ còn lưu thông chậm nhưng có trật tự hơn. Rõ ràng, người dân đã dần hình thành ý thức tuân thủ luật giao thông, hạn chế các hành vi nguy hiểm như vượt đèn đỏ hay lách xe. Đây là một tín hiệu rất tích cực", ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đánh giá.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đánh giá những tác động của Nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ
Trong những năm qua, dù đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp, chiến dịch và các đợt ra quân, tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tình trạng "nhờn luật" của một bộ phận người dân vẫn tồn tại, đòi hỏi cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Đây chính là lý do Nghị định 168 ra đời, với các quy định nghiêm khắc và mức xử phạt hành chính cao hơn hẳn so với các mức xử phạt hành chính trước đây.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, ngay từ khi ban hành Nghị định 100, cũng có những ý kiến cho rằng mức phạt cao, nhưng kết quả là tình trạng vi phạm nồng độ cồn giảm đáng kể. Tương tự, Nghị định 168 không chỉ đặt mục tiêu xử phạt mà còn nhằm giáo dục, nâng cao ý thức giao thông. Điều này được minh chứng bởi sự cải thiện rõ ràng trong hành vi chấp hành luật giao thông thời gian gần đây.
"Luật pháp không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân, mà phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Việc tăng nặng xử phạt không chỉ để răn đe mà còn để bảo vệ chính người dân, giảm thiểu tai nạn và tổn thất không đáng có. Những cải thiện này đã được quốc tế công nhận, như nguồn tin của Reuters nhận định rằng tỷ lệ tai nạn giao thông chết người ở Việt Nam đã giảm tới 40% sau các chính sách nghiêm khắc. Điều đó cho thấy, mức phạt cao không chỉ hợp lý mà còn cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người", ông Hùng chia sẻ.
Ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn yếu kém, thậm chí nhiều người vi phạm với thái độ thách thức, không chỉ gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng người khác và làm thiệt hại tài sản cá nhân, xã hội, mà còn tạo ra hình ảnh xấu xí của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều thống kê đã chỉ ra rằng, vấn đề giao thông thường đứng đầu trong danh sách những điều khiến người nước ngoài không thích khi ở Việt Nam.
Vấn đề giao thông thường đứng đầu trong danh sách những điều khiến người nước ngoài không thích khi ở Việt Nam.
Cũng theo ông Hùng, việc ban hành các quy định chặt chẽ, cùng với sự tuyên truyền hiệu quả từ các cơ quan truyền thông, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Đối với doanh nghiệp vận tải, khi phương tiện di chuyển an toàn hơn, doanh nghiệp chính là bên hưởng lợi đầu tiên. Tài xế không gặp tai nạn hay ùn tắc, từ đó tiết kiệm được chi phí vận hành, thời gian và tăng hiệu suất làm việc. Điều này không chỉ giảm thiểu chi phí phát sinh mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người lao động.
"Khi ý thức chấp hành luật giao thông được cải thiện, đường sá trở nên thông thoáng, việc đón khách và di chuyển cũng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây chính là lợi ích thiết thực, không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả tài xế – những người trực tiếp tham gia giao thông", ông Hùng nhấn mạnh.
Việc giảm ùn tắc giao thông không chỉ dựa vào ý thức của người dân mà còn cần các giải pháp đồng bộ để xử lý sự gia tăng mạnh mẽ của phương tiện cá nhân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Theo thống kê, mỗi năm số lượng ô tô cá nhân tăng khoảng 10%, gấp 30 lần tốc độ tăng của diện tích đất dành cho giao thông. Hiện nay, Hà Nội có gần 1,2 triệu ô tô và khoảng 7 triệu xe máy, trong khi dân số đạt khoảng 10 triệu người. Điều này đòi hỏi những giải pháp toàn diện, đặc biệt trong dịp cuối năm.
"Trước tiên, cần mở rộng hạ tầng giao thông bằng cách xây dựng các đường vành đai, đường nhánh, đường rẽ tại các nút giao thông, và các cầu vượt. Đồng thời, hoàn thiện các tuyến đường sắt trên cao và hệ thống metro. Thứ hai, tập trung phát triển và khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, như mở rộng hệ thống xe buýt, để giảm bớt phương tiện cá nhân, nhất là trong giờ cao điểm. Thứ ba, ứng dụng công nghệ giám sát giao thông như lắp đặt camera tại các nút giao để phạt nguội không chỉ ô tô mà cả xe máy. Điều này đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong xử lý vi phạm. Các thông báo vi phạm có thể gửi về gia đình, tổ dân phố, hoặc cơ quan làm việc để tăng tính răn đe và nâng cao ý thức. Cuối cùng, kết hợp nâng cao ý thức người dân, ứng dụng công nghệ, và mở rộng kết cấu hạ tầng là cách tiếp cận đồng bộ để cải thiện giao thông và giảm ùn tắc hiệu quả", ông Hùng đề xuất.
Mỗi năm số lượng ô tô cá nhân tăng khoảng 10%, gấp 30 lần tốc độ tăng của diện tích đất dành cho giao thông, đòi hỏi những giải pháp toàn diện, đặc biệt trong dịp cuối năm
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, mở rộng quy mô nền kinh tế và nâng cao chỉ số sáng tạo. Tuy nhiên, các vấn đề như rác thải, ô nhiễm môi trường, tai nạn và tắc nghẽn giao thông vẫn tồn tại, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ. Nghị định 168, cùng với các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, có ý nghĩa vô cùng trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi và hướng tới một xã hội văn minh.
Một xã hội văn minh chỉ có thể được hình thành khi pháp luật được tôn trọng và trở thành chuẩn mực trong hành vi của mỗi công dân. Điều này bắt đầu từ những hành động đơn giản như tuân thủ luật giao thông: không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không đi xe trên vỉa hè, và không bấm còi inh ỏi. Những sai phạm vốn đã trở thành thói quen từ lâu của một bộ phận người dân cần được xử lý nghiêm khắc, từ đó dần hình thành ý thức tuân thủ luật pháp và xây dựng văn hóa giao thông. Đây chính là nền tảng quan trọng để hướng tới một xã hội hiện đại và văn minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!