Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ đạo và tiến hành theo tinh thần hết sức khẩn trương và quyết liệt. Trước yêu cầu phát triển của đất nước và để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, bắt buộc phải có một bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực tế đã thấy khi có sự đồng thuận, quyết liệt triển khai, sẽ đem lại những hiệu quả tích cực. Câu chuyện sáp nhập 2 Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn là một ví dụ.
Nhiều năm ở cương vị lãnh đạo, những quyết định liên quan đến mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt được ông Đặng Sỹ Mạnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) đưa ra không phải là ít. Tuy nhiên việc triển khai phương án sáp nhập 2 Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn là một trong những quyết định cân não nhất.
"Đứng trước quyết định tái cơ cấu, sắp xếp lại, thay đổi mô hình hoặc tinh giảm bộ máy, trăn trở đầu tiên là giữa việc đúng hay sai. Tuy nhiên, chúng tôi trăn trở nhất là sự tác động đến người lao động và đặc biệt là người lao động trực tiếp. Sắp xếp lại mô hình tổ chức sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm", ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết.
Sáp nhập 2 Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn. (Ảnh: Nhân dân)
Hai đơn vị sáp nhập thành một có nghĩa cơ cấu tổ chức giảm đi một nửa. Có những người sẽ không giữ được cương vị của mình đang nắm giữ. Hơn 20 lãnh đạo bị ảnh hưởng.
Với những người lao động trực tiếp khi bộ máy được tinh gọn, các khâu trung gian cắt giảm, các quyết định về đầu tư cải tạo được thực hiện nhanh chóng hơn. Điều kiện làm việc và đời sống được cải thiện hơn.
"Nhà xưởng đã được tu tạo, nâng cấp, máy móc thiết bị được cấp đầy đủ, tạo điều kiện cho anh em trong sản xuất. Đặc biệt về thu nhập, đời sống của người lao động được tăng cao. So với năm 2023, tăng trên 110%", anh Vũ Văn Tâm (chi nhánh toa xe Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt) chia sẻ.
Xóa bỏ 2 chi nhánh đại diện ở hai thành phố, giảm bớt các bộ phận trung gian. Sáp nhập 2 Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành một công ty, chính thức hoạt động đầu tháng 11 vừa qua. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tái cơ cấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Cách đây 2 năm, 5 đơn vị đầu máy được tinh gọn thành 3 đơn vị, tối ưu hóa hoạt động đã giúp tiết kiệm chi phí 134 tỷ đồng mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!