Cần cơ chế xử lý tài sản công sau sáp nhập

Đặng Tú, Phạm Thành, Phi Hùng-Thứ tư, ngày 04/12/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - 63 trụ sở cấp huyện và 387 trụ sở cấp xã dôi dư có giá trị hàng nghìn tỷ đồng tài sản công hiện chưa có kế hoạch khai thác, thậm chí bị bỏ hoang nhiều năm.

Cùng với cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, công tác bố trí sắp xếp các đơn vị hành chính tại các địa phương cũng đã và đang được người dân, dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2023 - 2025 có 50 đơn vị cấp huyện và hơn 1.240 đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp, theo đó, sẽ có 525 cán bộ dôi dư ở cấp huyện và gần 6.000 cán bộ dôi dư cấp xã.

Đó là về con người, còn về tài sản công, có 63 trụ sở cấp huyện và 387 trụ sở cấp xã dôi dư có giá trị hàng nghìn tỷ đồng tài sản công hiện chưa có kế hoạch khai thác, thậm chí bị bỏ hoang trong nhiều năm qua gây lãng phí rất lớn.

Cần cơ chế xử lý tài sản công sau sáp nhập - Ảnh 1.

Tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, 3 xã sát nhập thành 1 nên trụ sở 2 xã bị bỏ không. Hàng nghìn m2 đất, hạ tầng hoàn chỉnh bỗng chốc bị bỏ hoang. Tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng

Nằm trong nhóm thực hiện việc sát nhập đầu tiên của cả nước, toàn Hà Tĩnh hiện có 245 cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chưa hoàn thành xử lý. Trong giai đoạn 2019 - 2021, khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, cả nước đã dôi dư 864 trụ sở nhà đất. Đến nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương trên 40%.

Cần cơ chế xử lý tài sản công sau sáp nhập - Ảnh 2.

Sáp nhập là điều cần thiết giúp tinh giản bộ máy hành chính nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Thế nhưng cùng với đó cũng cần có kế hoạch sử dụng tài sản công dôi dư một cách hợp lý. Vì hiện cả nước vẫn đang tồn tại hàng nghìn các công trình trụ sở chưa được bố trí khai thác sau khi sáp nhập. Và thực tế cho thấy, càng để lâu thì công trình càng xuống cấp, nguy cơ lãng phí ngày càng cao.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Mỗi địa phương có một hoàn cảnh khác nhau, một áp lực khác nhau và nguyên nhân nằm ở cơ chế và cách thực hiện".

Trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 50 đơn vị cấp huyện và trên 1.240 đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp. Điều này sẽ làm tăng thêm số tài sản, nhà đất dôi dư. Do đó, một cơ chế, một dường hướng thống nhất, rõ ràng hơn càng trở nên cấp bách. Bởi điều này vừa tránh được lãng phí vừa đưa chính sách sát nhập hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước