TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Vẫn "nóng" khai thác khoáng sản trái phép ở Lâm Hà, Lâm Đồng

Mạnh Thành, Mạnh TuấnCập nhật 16:54 ngày 06/06/2022

VTV.vn- Trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra phức tạp, nổi cộm là các vụ san gạt, hủy hoại đất; khai thác cao lanh, cát...

Những vi phạm này đã hủy hoại môi trường; nhà nước thất thu tài nguyên và cả ngân sách. Vấn đề này đang đặt ra câu hỏi công tác quản lý nhà nước của ngành tài nguyên - môi trường và chính quyền huyện Lâm Hà trước đó và giải pháp giám sát, xử lý thời gian tới đây.

Hàng nghìn khối cát sau khi khai thác tại chỗ được tập kết trong khuôn viên của Công ty Thiên Tự Phước tại thôn Pâng Pung, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Tuy nhiên, theo chính quyền Lâm Hà, trong giấy chứng nhận đầu tư, đơn vị này chỉ đăng ký sản xuất gạch không nung, do đó số cát khai thác tại đây của đơn vị này là trái phép.

Ngoài khai thác cát, sau khi báo chí và dư luận phản ánh việc Công ty Thiên Tự Phước khai thác cao lanh trái phép, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cùng các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra hoạt động của công ty này. Thông tin tại đây, Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện mẫu khoáng sản nghi là Cao lanh của Công ty Thiên Tự Phước đã được đơn vị lấy mẫu về kiểm tra và đang chờ kết quả. Ông Phạm S, cho rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm của doanh nghiệp, vấn đề này cũng chỉ rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các ngành và địa phương.

Từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn huyện Lâm Hà phát hiện trên 90 vụ khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có 33 vụ san gạt, hủy hoại đất. Địa phương đã tiến hành xử lý và xử phạt hơn 200 triệu đồng. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường Lâm Hà, dẫn đến sự phức tạp trong khai thác khoáng sản là do nhu cầu của người dân, lợi nhuận về khoáng sản; ngoài ra một số doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cũng lợi dụng hoạt động của mình để vi phạm.

Vi phạm trong trong khai thác khoáng sản trái phép ở Lâm Hà cho thấy ngày càng phức tạp, đòi hỏi việc quản lý nhà nước của địa phương cần hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cần đẩy mạnh sự phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, nhất là cần quản lý chặt chẽ hơn nữa các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Các làng nghề xứ Thanh tất bật vào vụ tết

VTV.vn- Những ngày cận Tết, các làng nghề về thực phẩm ở tỉnh Thanh Hóa mong muốn được mùa, được giá khi xuất bán các sản phẩm để có thêm nguồn thu trong dịp Tết cổ truyền.