Ngành mía đường Việt Nam đã có những tăng trưởng liên tục trong những niên vụ gần đây. So với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%. Ngoài việc, giá thu mía liên tục tăng, thì việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất cũng đã được triển khai, đã có nhiều nơi đã hình thành những cánh đồng mía có nước tưới với năng suất đạt trên 100 tấn/ha.
Diện tích mía ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên chiếm đến 62% sản lượng mía đường cả nước. Hiện, các nhà máy đóng vai trò lớn trong việc đưa năng suất mía tăng lên thông qua các chuỗi liên kết cùng nông dân. Như ở xã Ia Mláh khi nhà máy đường xây dựng chuỗi liên kết trồng mía về xã. Năng suất mía tăng lên vượt trội nhờ các giống mía mới, áp dụng kỹ thuật canh tác và tưới nhỏ giọt. Trong 700 ha mía mà nông dân liên kết với nhà máy đường thì có đến 400 ha năng suất trên 100 tấn.
Việc xây dựng các cánh đồng mía trên 100 tấn/ha, kết hợp 4 vụ mía gần đây, các nhà máy đường liên tục nâng giá thu mua mía và vụ này đạt trên 1,3 triệu đồng/tấn, vì vậy, hiện nay trên cùng đơn vị diện tích, cây mía cho thu nhập cao gấp 3 lần cây sắn.
Theo hiệp hội mía đường, trong niên vụ vừa qua, Việt Nam đạt mức năng suất mía đường đứng đầu khu vực. Ngành mía đường Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. Và giá mua mía liên tục tăng trong các vụ gần đây. Ngay vụ ép này, các nhà máy đường mua mía với giá 1,3 -1,35 triệu đồng/tấn. Rõ ràng, khi có những cánh đồng mía đạt năng suất trên 100 tấn/ha kết hợp giá mía duy trì ổn định hoặc tăng thì thu nhập nông dân đã tăng lên đáng kể. Và tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã hình thành cụm chuỗi sản xuất mía - đường - điện lớn nhất cả nước. Đây là mô hình sản xuất mía tuần hoàn đang được ngành mía đường hướng đến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.
Xây dựng chuỗi sản xuất mía đường theo mô hình kinh tế tuần hoàn đang được hàng loạt nhà máy đường trên cả nước thực hiện. Chỉ riêng việc tái sử dụng bã mía để đốt, sản xuất ra điện giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu. Hơn 12.000 hộ nông dân ở Phú Yên đang bán mía giá cao hơn nhiều vùng trồng mía khác 100.000 đồng/tấn. Đó là nhờ tiền bán điện sinh khối được doanh nghiệp chia lại bằng việc nâng giá mía lên cao.
Thực tế cho thấy, ngành mía đường áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã góp phần giảm phát thải nông nghiệp, mang lại lợi nhuận để tái đầu tư vùng trồng mía. Điều này đã góp phần đưa ngành mía đường Việt nam lên vị thế số 1 trong khu vực đông Nam Á khi năng suất bình quân đạt 6,79 tấn/ha và giá mía đạt trên 50 USD/ tấn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!