Lấy đất nông nghiệp để làm đô thị là câu chuyện phổ biến trong quá trình đô thị hóa, thậm chí cuộc đua "biến xã thành phường" không phải là chuyện hiếm ở nhiều địa phương. Nhưng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, nỗ lực giữ làng, bảo tồn những mảng xanh đang dần ít lại là lựa chọn rất khó khăn nhưng hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) của Đảng về Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn.
Để có cánh đồng rộng đến 40 hec ta này, 38 hộ dân ở làng rau Trà Quế phải di dời nhà cửa, lấy đất làm nông nghiệp theo chủ trương của chính quyền Hội An. Điều khác biệt ở chỗ, trong khi nhiều nơi nông dân bấp bênh thì người nông dân ở đây vẫn sống khỏe từ nông nghiệp.
Tưới nước, chăm đồng. Việc nhà nông bao đời nay vẫn thế, khác chăng là thu nhập. Từ vài chục triệu mỗi năm ngày trước, bây giờ người làng Trà Quế thu nhập hàng trăm triệu, đó là nhờ gắn làm nông với dịch vụ du lịch.
Giữ đất nông nghiệp, đồng nghĩa giữ được làng trước làn sóng đô thị hóa. Và việc người nông dân ngày càng gắn chặt hơn với đồng ruộng bởi họ nhận ra đó là sinh kế bền vững. Ở một thành phố mà có hơn 20 ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quả là điều hiếm có.
Không còn bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, việc đồng áng của những lão nông này không chỉ có ruộng lúa, luống rau mà bây giờ còn có cả chăm hoa.
Rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh là tên gọi, nhưng bây giờ đã lên đến hàng trăm mẫu. Người dân dưỡng rừng không chỉ vì du lịch mà còn tạo nên vùng đệm sinh thái, giãn bớt áp lực cho đô thị cổ.
Người ta có thể biến đồng ruộng thành đô thị chỉ bằng một chủ trương, nhưng không ai biến đô thị thành đồng ruộng cả. Giữ làng để dưỡng phố - đó là cách người Hội An thừa kế cho đời sau. Câu chuyện về Hội An giải quyết bài toán phát triển bằng cách nương tựa vào tự nhiên không còn là mô hình mà là thực tế trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!