TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm]: Giải pháp nào xử lý nợ đọng xây dựng nông thôn mới?

Vĩnh yên, Xuân Hoà, Duy Hiệp (VTV8)Cập nhật 12:33 ngày 11/03/2018

VTV.vn - Câu chuyện nợ nần – nợ xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang để lại những gánh nặng lên đôi vai người dân các xã, huyện xây dựng NTM. Giải pháp nào xử lý nợ đọng này?

Vì sao lại có nợ đọng xây dựng nông thôn mới? Nguyên chính được chỉ rõ chủ yếu vẫn là do nhiều nơi muốn nhanh chóng đạt 19 tiêu chí NTM để "báo cáo thành tích". Trong khi đó tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân - mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng NTM thì cơ bản vẫn còn nhiều bối rối. Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị tổng kết nhìn lại 7 năm xây dựng nông thôn mới. Và để giải quyết vấn đề này trước năm 2019 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là điều không đơn giản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp cuối tháng 2 năm 2018 của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước còn khoảng 5.142 tỷ đồng, giảm hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương 66% so với tháng 1/2016, trong đó có 27 tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản. Và Bộ này cho biết, bằng các giải pháp quyết liệt như ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách trung ương, địa phương để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng: nợ xây dựng cơ bản NTM cũng là nợ công, do đó cần đánh giá đúng về khoản này và nguồn trả; trong đó cân đối, ưu tiên nguồn từ ngân sách để trả nợ là một trong những giải pháp được nhiều địa phương tăng cường, nhưng điều này không dễ, bởi ngân sách đầu tư hàng năm của các địa phương cũng có hạn, khiến cho việc thanh quyết toán nợ nần vẫn rất ì ạch, đơn cử như Quảng Nam, Phú Yên.

Nếu như trong kế hoạch năm 2018 không thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, các địa phương còn nợ xây dựng cơ bản khó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới trước năm 2019. Bên cạnh giải pháp cân đối, ưu tiên ngân sách để trả nợ đang được nhiều nơi triển khai. Quảng Bình và Hà Tĩnh là 2 trong số các địa phương còn nợ lớn, lên đến 500-600 tỷ đồng - cũng đang xem giải pháp trên là cứu cánh.

Điều mà người dân cần hơn cả trong xây dựng nông thôn mới chính là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chứ không phải chỉ có tập trung vào xây dựng hạ tầng một cách ồ ạt, hay những báo cáo thành tích kém thực chất.