Sử dụng toán học cao cấp để cấp mã số định danh cá nhân

Hà Phương-Thứ năm, ngày 12/09/2013 16:00 GMT+7

 Giáo sư Ngô Bảo Châu và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ hợp tác với Ban chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trong việc cấp mã số định danh cá nhân. Đây là khẳng định của Giáo sư Ngô Bảo Châu sau buổi làm việc với Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của của Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 là mọi công dân Việt Nam sẽ được cấp mã cố định danh cá nhân sau 7 năm nữa. Theo kế hoạch được đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo thực hiên Đề án, bắt đầu từ năm 2016 sẽ bắt đầu cấp số định danh cá nhân cho công dân từ khi đăng ký khai sinh và tiến hành nhập thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia để xác lập thông tin về công dân. Tuy nhiên, việc cấp mã số định danh cho gần 90 triệu dân là một thách thức rất lớn.

Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết: “Với việc triển khai Để án mà Thủ tướng đã giao, Ban chỉ đạo đã giao Bộ Tư pháp chủ trì việc này. Chúng tôi cũng thấy vô cùng trăn trở, bởi sử dụng kiến thức về quản lý xã hội thôi chắc là chưa đủ, vì vậy cần phải tìm tòi và có ý mời Viện Toán học cao cấp để thực hiện. Ứng dụng toán học cao cấp vào thực hiện Đề án sẽ hỗ trợ mặt gọi là nền tảng về khoa học tự nhiên”.

‘ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (phải) bàn với Giaó sư Ngô Bảo Châu về cách cấp mã số công dân. (Ảnh: Người LĐ)

Việc ứng dụng toán học cao cấp vào việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu để đề án được triển khai thành công, cần phải tìm được mô hình thích hợp, phù hợp với điều kiện của đất nước và điều quan trọng nhất là xây dựng thuật toán thích hợp với yêu cầu để có được độ dài mã số thích hợp. Hiện tại, có Bộ đã đưa ra ý tưởng lấy số chứng minh thư 12 số làm số định danh cá nhân, vì đảm bảo 500 năm không trùng nhau, tuy nhiên quan điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng tình.

Giao sư Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nói: “Theo tôi định hình khó khăn ở việc là phải hiểu rõ cơ chế cấp mã số như thế nào. Có thể là có nhiều cơ sở địa phương cùng cấp một lúc, nhưng phải làm sao nhiều nơi cấp cùng mà vẫn không bị trùng số. Mặt khác trong khi nhập dữ liệu rất có thể nhầm lẫn, vì vậy phải làm thế nào để kiểm tra con số đó để báo cho người nhập…”

Trong thời gian tới, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu chuyên sâu và trao đổi với Bộ Tư pháp cùng với Bộ Công an để chọn ra cách làm cũng như những mô hình cấp mã số định danh cá nhân khả thi và thích hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước