Trong đó, diện tích lúa là 200.000 ha, rau màu là 51.000 ha; các cây trồng khác là 61.000 ha. Để phục hồi các diện tích bị thiệt hại này, ngoài vấn đề liên quan đến vốn thì giống, vật tư nông nghiệp đang là những nhu cầu thiết yếu và cần hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Với những vùng trồng rau không thể phục hồi, thời gian gieo cấy vụ đông sẽ được đẩy sớm. Còn các vùng trồng rau vụ đông chủ lực cũng sẽ tăng diện tích để bù đắp sản lượng bị thiệt hại do bão. Vì vậy, thời điểm này bà con đang cần giống rau để tái sản xuất. Ngành trồng trọt sẽ hỗ trợ cung cấp các giống rau ăn lá ngắn ngày.
Tổng nhu cầu cần thiết của các địa phương chịu thiệt hại là khoảng 15.000 tấn lúa giống. Tuy nhiên, lượng dự trữ trong kho dự trữ quốc gia chỉ có hơn 4.100 tấn, vẫn còn thiếu khoảng hơn 10.000 tấn giống lúa cho sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025.
Bộ NN-PTNT đang lên phương án kêu gọi nguồn cung cấp từ các công ty giống và nguồn lực của địa phương, tính cả đến chuyện nhập khẩu giống.
Nhiều diện tích lúa bị mưa lũ làm hư hỏng. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)
Tham dự hội nghị hỗ trợ sản xuất phục hồi ngành trồng trọt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất. Hơn 15 tỷ đồng gồm tiền mặt và vật tư nông nghiệp đã được các đơn vị ủng hộ, tùy theo thống kê thiệt hại sẽ được phân bổ về địa phương. Đây là sự tiếp sức kịp thời cho nông dân khôi phục sản xuất hàng hóa cho dịp cuối năm .
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, lợn khó tái đàn ngay, còn gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng. Vịt ngan chỉ cần 45 - 50 ngày là có thể xuất bán.
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng hỗ trợ người dân về con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng nhu cầu thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!