Tuần qua, bức tranh đầy màu đổ vỡ, chết chóc và súng đạn ở miền Đông Ukraine tiếp tục được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông khắp thế giới. Ngày 21/1, một thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine đã được xác lập với sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức. Sự có mặt của hai quốc gia đầu tàu trong EU ở cuộc đàm phán được đánh giá đã mang đến hy vọng về sức nặng của thỏa thuận hòa bình này. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thỏa thuận này chỉ còn trên giấy.
"Cuộc xung đột tại Ukraine mang tính chất ủy thác, mỗi bên đều có nhà tài trợ của mình. Vì vậy, đến thời điểm này, mỗi lần chiến sự bùng phát lên thì cả hai bên đều không chấp nhận phương án do đối phương đưa ra" - ông Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận định - "Tình hình giao tranh tại Ukraine đang rơi vào bế tắc bởi cách tiếp cận từ các bên. Nếu phía Nga cho rằng biện pháp giải quyết chỉ là đối thoại, Ukraine cần để một phần theo mô hình liên bang, thì phía EU lại muốn Ukraine cần có sự thống nhất. Dường như, tất cả các bên đều quên mất câu hỏi làm thế nào để những người dân thường không bị thiệt mạng".
"Tôi nghĩ đã đến lúc các nước Phương Tây cần xem xét lại cách tiếp cận vấn đề tại Ukraine, không thể chỉ nghĩ theo kiểu Ukraine phải được nguyên vẹn lãnh thổ. Tôi nghĩ nên chăng Ukraine cần một ranh giới tạm thời", ông Đỗ Sơn Hải nói thêm.
Cho tới lúc này, mỗi ngày vẫn có thêm những người dân vô tội đổ máu trong các loạt đạn pháo và rõ ràng, sẽ không thể có một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng này với cách tiếp cận như hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để các lệnh ngừng bắn không phải là những khoảng im tiếng súng tạm thời tại miền Đông UKraine. Cõ lẽ, điều đó không chỉ phụ thuộc vào các cuộc thương lượng trên bàn đàm phán mà còn phụ thuộc vào sự thay đổi trong cách hành xử giữa phương Tây và Nga.
Cùng lắng nghe những phân tích của ông Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao về vấn đề khủng hoảng tại Ukraine trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây: