Ông Nguyễn Quang Khai bàn về thỏa thuận trong vấn đề hạt nhân của Iran ở chương trình Toàn cảnh thế giới.
Thời gian gần đây, một vấn đề quốc tế “nóng” đang được quan tâm là những bước đi của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức (gọi tắt là nhóm P5+1) nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Lần đầu tiên, sau hơn một thập kỷ đàm phán dai dẳng, một thỏa thuận giữa Phương Tây và Iran dường như có thể nằm trong tầm với. Đây là một bước đi quan trọng hướng tới việc hòa giải 35 năm thù địch giữa Mỹ và Iran. Hai đối tác chủ chốt là Mỹ và Iran đều đang rất sốt sắng với hoạt động ngoại giao này.
Ông Nguyễn Quang Khai – người đã từng có nhiều năm giữ cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông – nhận định: “Tất cả các bên đều có một quyết tâm chính trị để tìm ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Nguyên nhân sâu xa là bởi Mỹ cần Iran trong cuộc chiến chống khủng bố và trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Thực tế, Iran đã tham gia tích cực trong cuộc chiến chống Tổ chức của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, dù Iran không phải là thành viên của Liên minh chống khủng bố. Ngược lại, phía Iran cũng cần Mỹ và Phương Tây để giảm bớt khó khăn về kinh tế sau 12 năm bị cấm vận. Vì thế, đây là thỏa thuận giúp các bên được lợi, có ảnh hưởng tích cực trong việc giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực Trung Đông. Đó là giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran”.
Tuy nhiên, chính giới của Mỹ và Iran lại đang tranh cãi gay gắt về bước đi mang tính lịch sử. Thậm chí, ở phía Mỹ, có những ý kiến bày tỏ lo ngại trước việc Iran ngầm phát triển vũ khí hạt nhân mà không thể kiểm soát được.
Ông Nguyễn Quang Khai - từng giữ cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông.
Ông Nguyễn Quang Khai cho rằng, với kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh như hiện nay, Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế hoàn toàn có khả năng kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran. Còn bàn về sự phản đối ở phía Iran, ông nhìn nhận: “Ở Iran, cũng có các lực lượng chống đối, trong đó chủ yếu là lực lượng của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Họ luôn tìm cách phản đối Chính phủ trong quá trình đàm phán hạt nhân giữa Iran với Mỹ và các nước Phương Tây nói chung. Nhưng sự phản đối này không nhằm phá vỡ đàm phán, mà chủ yếu các phần tử đối lập muốn có vai trò trong việc bầu cử Quốc hội Iran sắp tới và bầu cử Tổng thống Iran vào năm 2017. Trên thực tế, phần lớn người dân Iran đều ủng hộ đàm phán”.
Vì thế, dù còn nhiều trở ngại nhưng các nước Phương Tây và Iran đang càng ngày càng tiến gần nhau trong vấn đề hạt nhân. Và dù còn nhiều hoài nghi đối với quan điểm của Mỹ và các nước Phương Tây, nhưng các nhà lãnh đạo mang tư tưởng ôn hòa của Tehran đang muốn thông qua việc giải quyết điểm nóng hạt nhân để từng bước tự do hóa nền kinh tế Iran, dần dần mở cửa hệ thống chính trị và bình thường hóa mối quan hệ của Iran với phần còn lại của thế giới.
Các áp lực kinh tế càng khiến Iran muốn đẩy nhanh tiến trình thương lượng với Phương Tây. Có thể, việc nhìn ra cơ hội kinh doanh tại Iran cũng sẽ là một động lực để Chính phủ các nước cân nhắc về một giải pháp lâu dài với Tehran, bên cạnh những yếu tố khác, như vai trò của Iran trong các vấn đề địa, chiến lược ở khu vực.
Để tìm hiểu kĩ hơn về thỏa thuận trong vấn đề hạt nhân của Iran, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV1!