Thế giới đang chứng kiến một thời kỳ đầy bất ổn trong các mối quan hệ quốc tế. Nga và các nước phương Tây đang vướng vào một cuộc đối đầu chưa từng có tiền lệ kể từ sau chiến tranh lạnh. Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang cận kề hơn bao giờ hết. Những điều đó đang tạo ra sự chuyển dịch sâu sắc trong chính sách của các nước lớn và đem tới tác động mạnh mẽ tới mọi tầng lớp khác nhau trong mối quan hệ hợp tác quốc tế. Vậy ảnh hưởng của những biến động này như thế nào? Đây là câu hỏi được đưa ra bàn luận trong chương trình Toàn cảnh thế giới với sự góp mặt của TS. Lê Đình Tĩnh – Học viện Ngoại giao.
"Điều này chưa bao giờ có tiền lệ về mặt quy mô" - TS Lê Đình Tĩnh phân tích về cuộc đối đầu ngoại giao giữa Nga và phương Tây - "Đây không phải lần đầu tiên Nga và Anh tiến hành trục xuất nhà ngoại giao của nhau. Trong sự cố vào năm 2007, mỗi bên chỉ trục xuất 4 nhà ngoại giao của nhau, nhưng lần này con số quy mô lớn hơn rất nhiều. Đáng chú ý còn có sự phụ họa của các nước phương Tây và Mỹ. Tôi nghĩ về quy mô đây là hành động cho thấy sự đồng loạt, hưởng nhanh và quyết liệt nhất từ trước đến nay. Nếu xét về mức độ tác động, mỗi thời kỳ có sự nguy hiểm riêng của nó".
Theo TS Lê Đình Tĩnh, sự cố này có lên đỉnh điểm tiếp hay không còn phụ thuộc vào đòn tiếp theo của mỗi phía. Trong khi Anh củng cố chứng cứ của mình thì Nga đưa vụ việc lên Liên Hợp Quốc. Hai bên cũng viện tới Tổ chức Cấm vũ khí hóa học... Hai bên đã ý thức rất rõ giới hạn của nhau và không đẩy vụ việc ra khỏi tầm kiềm soát.
Bên cạnh đó, câu chuyện đối đầu thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là chủ đề được quan tâm trong thời gian qua. Đánh giá hành động trả đũa thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, TS Lê Đình Tĩnh cho rằng đối thoại giúp các bên tránh để sự việc đi quá xa. Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ điều này. Các biện pháp trả đũa đưa ra đều phải mất thời gian để đưa được vào thực tế, đó chính là cơ hội để các bên tìm cách tháo gỡ.