Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân diễn ra tại Washington, Mỹ đang là sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm trong những ngày qua. Đây là hội nghị được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2010, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Những vấn đề được trao đổi, bàn luận tại hội nghị lần này cũng là chủ đề được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới của Đài THVN với sự tham gia của PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đánh giá những kết quả đã đạt được từ sáng kiến về một thế giới không vũ khí hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Obama đã khởi động cách đây 7 năm, PGS.TS Phạm Quang Minh nói: “Tôi nghĩ rằng sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân mà Tổng thống Barack Obama đưa ra là một sáng kiến rất tuyệt vời. Đó là mơ ước của toàn nhân loại khi thế giới không có hạt nhân. Nếu nhìn lại quãng đường vừa qua, có 3 điểm đánh giá được thành công của sáng kiến này.
Thứ nhất, hội nghị đã được tổ chức 3 lần (2010, 2012, 2014) và tại mỗi cuộc hội nghị, nhà lãnh đạo các nước đều cam kết sẽ cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, số lượng đầu đạn hạt nhân từ năm 2010 đến nay đã được cắt giảm một cách rõ rệt - từ con số hơn 20.000 chỉ còn hơn 15.000. Thứ ba, tôi nghĩ cũng là thành công lớn nhất đó là hồ sơ Iran. Tháng 5/2015, P5+1 đã đạt được thỏa thuận rất quan trọng, theo đó các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế được quyền tới thanh tra và giám sát quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và Iran cam kết sẽ xóa bỏ chương trình này, đổi lại họ được mở rộng quan hệ quốc tế, không bị cấm vận”.
PGS.TS Phạm Quang Minh trao đổi trong chương trình Toàn cảnh thế giới
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2016 đã tập trung vào nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể rơi vào tay những phần tử khủng bố và đã đưa ra những cam kết cụ thể. Trước câu hỏi: “Theo ông, làm thế nào để những cam kết, lời kêu gọi trong hội nghị không trở thành những lời kêu gọi xuông?”, PGS.TS Phạm Quang Minh phân tích: “Đúng là rất khó khi có cam kết mà lại không thực hiện được. Theo tôi, để những lời cam kết đó không trở thành những khẩu hiệu, trước hết, các cường quốc hạt nhân phải nghiêm túc thực hiện những tuyên bố của mình, phải làm gương cho các nước nhỏ, nhất là Mỹ và Nga.
Thứ hai, các nước nghèo và các nước nhỏ đừng lấy vũ khí hạt nhân làm mục tiêu cho sự phát triển của mình. Sự phát triển ngày nay là sự phát triển hòa bình, bền vững, không lấy vũ khí hạt nhân giống như tấm bình phong để đảm bảo vấn đề an ninh cũng như sự thịnh vượng của mình. Họ phải rất thận trọng trong việc đề ra các chính sách phát triển của mình.
Cuối cùng, tôi nghĩ điểm thứ ba chính là các quốc gia phải giải quyết các vấn đề an ninh của thế giới bằng con đường hòa bình, con đường thương lượng. Không có một giải pháp nào tốt hơn là các cuộc đàm phán đa phương, song phương để đạt được một sự thống nhất”.
Cũng trong cuộc bình luận tại chương trình Toàn cảnh thế giới, PGS.TS Phạm Quang Minh đã đưa ra những nhận xét về cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải kiên trì hơn nữa, kiên quyết hơn nữa và phải có cam kết mạnh mẽ hơn nữa mới đạt được kết quả.
“Nếu phải nói tóm lược về cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể dùng 3 chữ ‘K’ - chưa thực sự ‘kiên trì’, ‘kiên quyết’ và tính ‘cam kết’ chưa cao - nhưng cũng có nhiều nỗ lực. Nghị quyết đưa ra hôm 4/3 là một nấc thang mới trong việc cộng đồng quốc tế muốn thể hiện mong muốn và ý chí của mình để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nấc thang mới này được thể hiện ở tính rằng buộc rất cao đối với Triều Tiên, buộc Triều Tiên phải lựa chọn giữa việc tồn tại hay không tồn tại, lựa chọn chương trình hạt nhân hoặc tiếp tục phát triển bình thường. Cam kết lần này là một quyết tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế cần phải kiên trì hơn nữa, kiên quyết hơn nữa và phải có cam kết mạnh mẽ hơn nữa” - PGS. TS Phạm Quang Minh phân tích.
Để lắng nghe những phân tích chi tiết hơn của PGS.TS Phạm Quang Minh về cuộc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân 2016, mời quý vị cùng theo dõi trong chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!