TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV News)
Chưa đầy 1 tháng sau loạt vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại Mỹ, ngày 7/10/2001, người đứng đầu Nhà Trắng, khi đó là Tổng thống Bush, đã có một bài phát biểu công bố chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” nhằm vào Afghanistan. Đây là động thái mở màn cho cuộc chiến chống khủng bố mà Washington phát động trên toàn cầu nhằm truy quét tận gốc mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Đúng 13 năm sau, 1 ngày trước dịp tưởng niệm những nạn nhân xấu số của vụ khủng bố 11/9, hôm 10/9/2014, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng có một bài phát biểu tương tự, công bố một chiến dịch chống lại nguy cơ từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một lực lượng khủng bố được coi là tàn bạo và nguy hiểm hơn cả al-Qaeda.
13 năm đã trôi qua, nước Mỹ đã trải qua 2 cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và cho đến giờ này vẫn chưa thoát ra được các bãi lầy tại đây. Trong khi đó, nỗi ám ảnh về nguy cơ khủng bố với sự trỗi dậy mạnh mẽ của một nhóm cực đoan mang tên "Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS)" lại tiếp tục bao trùm lên nước Mỹ.
Trao đổi trong chương trình Toàn cảnh thế giới sáng 14/9 của Đài THVN với chủ đề: “Nước Mỹ và nguy cơ khủng bố mới mang tên IS, 13 năm sau vụ khủng bố 11/9”, TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược – Bộ Công an cho rằng chiến lược chống IS lần này của Mỹ có sự khác biệt so với cuộc chiến chống khủng bố mà Washington phát động cách đây 13 năm về cả hình thức lẫn thành phần liên minh mà Mỹ đang kêu gọi.
“Về phương thức thực hiện, trước đây, Hoa Kỳ giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện, trực tiếp đưa quân của Mỹ và liên minh tham chiến; còn trong cuộc chiến lần này, Tổng thống Obama tuyên bố dứt khoát rằng Hoa Kỳ chỉ không kích bằng máy bay không người lái phản lực để tiêu diệt những cơ sở quan trọng nhất của IS, tạo điều kiện tấn công cho lực lượng bộ binh địa phương. Về các thành phần liên minh, sự tham gia của các nước đồng minh đang rất hạn chế vì vị thế của Mỹ đã có phần bị suy yếu” – TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.
TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an (Ảnh: VTV News)
Trước đó, khi đươc hỏi những đánh giá về chiến lược chống IS mà Tổng thống Obama vừa công bố hôm 10/9, TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Điểm đáng chú ý nhất trong bản chiến lược này chính là, Mỹ tuyên bố tập trung không kích để phá hủy những cơ sở quan trọng nhất về quân sự, chính trị, kinh tế, cơ sở hạ tầng của Nhà nước Hồi giáo (IS); hỗ trợ mọi mặt lục quân ở mặt đất. Có thể khái quát rằng Mỹ đã “Ả-rập hóa” cuộc chiến chống IS”.
Trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động cách đây 13 năm, Washington đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Nga. Còn trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ đang vô cùng căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Song, theo TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nga vẫn là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và nếu thiếu Nga trong thời điểm hiện nay sẽ là một khó khăn lớn với Mỹ khi chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong chiến dịch mà Mỹ đang phát động.
Kết thúc cuộc trao đổi, bàn về triển vọng chiến lược chống IS của Mỹ, TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định: “Tôi nghĩ rằng cuộc chiến lần này của Tổng thống Obama có khả năng khó khăn hơn cuộc chiến 13 năm trước. Bởi lẽ, mục tiêu, tham vọng lớn nhưng sức mạnh tiềm lực và các công cụ để thực hiện có hạn, sự hợp tác, liên minh cũng có hạn. Hơn nữa, IS là một Nhà nước mạnh, đã chiếm được một khu vực rộng lớn. Có lẽ, đây sẽ là cuộc chiến vô cùng khó khăn và lâu dài”.
Để có thể lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, quý vị và các bạn có thể xem lại chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây: