Mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ sớm trở nên “nồng ấm”

VTV News-Chủ nhật, ngày 05/10/2014 14:52 GMT+7

TS. Hoàng Anh Tuấn tham gia phân tích tại chương trình "Toàn cảnh thế giới" (Ảnh: VTV News)

Đây là khẳng định của TS. Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao trong cuộc trao đổi tại chương trình "Toàn cảnh thế giới" sáng nay (5/10).

Trong tuần qua, ngoài các tin tức về tình hình chiến sự tại Ukraine, cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tin tức được dư luận đặc biệt quan tâm chính là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington. Cuộc gặp này được coi là lịch sử và có thể “cài đặt” lại mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này.

Cuộc gặp được dư luận quan tâm là bởi từ một người bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, ông Modi đã được chào đón như một vị khách quý của Washington trong chuyến thăm này. Điều đó cho thấy một sự coi trọng đặc biệt của chính quyền Obama đối với việc thúc đẩy mối quan hệ với Ấn Độ - một mối quan hệ đã được chính Tổng thống Obama khẳng định cách đây 4 năm rằng nó sẽ "định hình thế kỷ 21 và là một mối quan hệ không thể thiếu trong các mối quan hệ nước lớn của thế kỷ 21".

Mặc dù coi nhau là những đồng minh tự nhiên do các yếu tố về lịch sử và văn hóa nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trong nhiều năm qua đã không được suôn sẻ và nồng ấm như kỳ vọng của hai bên do còn có nhiều mâu thuẫn và bất đồng. Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng họ đặt cược vào một mối chiến lược lâu dài với Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng muốn có một mối quan hệ hữu nghị, cùng có lợi với Washington nhưng vẫn duy trì một khoảng cách chiến lược nhất định và một tư duy độc lập. Chính vì vậy, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi đã được dư luận hai nước đặt nhiều kỳ vọng là sẽ “cài đặt” lại mối quan hệ Mỹ - Ấn, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của thế giới.

Lý giải trong cuộc tọa đàm tại chương trình Toàn cảnh thế giới về tầm quan trọng của chuyến thăm này, TS. Hoàng Anh Tuấn phân tích: “Có thể nói, từ đầu năm 2000 đến nay, giữa Ấn Độ và Mỹ đã có khá nhiều cuộc gặp cấp cao nhưng chưa có cuộc gặp nào có kỳ vọng làm chuyển biến quan hệ Mỹ - Ấn cũng như tác động đối với khu vực châu Á và thế giới. Đây là sự hội tụ của các nhân tố chủ quan và khách quan. Mỹ thấy rằng những cải cách kinh tế, chính sách của Thủ tướng Modi hiện nay chính là điều Mỹ mong muốn thúc đẩy từ lâu bởi do nhân tố cản trở bên trong Ấn Độ nên điều này chưa thể thực hiện. Đồng thời, Mỹ cũng muốn Ấn Độ trở thành một trung tâm quyền lực, tăng cường hợp tác với Mỹ để giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu… Còn Ấn Độ cũng rất mong muốn trở thành một trung tâm kinh tế, “cực quyền lực” của thế giới…”.

Khi được hỏi: Liệu chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Ấn Độ có thể làm nồng ấm hơn mối quan hệ Mỹ - Ấn không hay sẽ chỉ lại bổ sung thêm vào lịch sử mối quan hệ này một cuộc gặp thượng đỉnh nữa?, TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Những rào cản, trở ngại trong mối quan hệ Mỹ - Ấn là vẫn còn nhưng trước đây, họ cảm thấy rằng không ai có đủ khả năng giải quyết. Hiện nay, họ đã có quyết tâm chính trị và có đủ sức mạnh chính trị để gỡ bỏ rào cản, gỡ bỏ khó khăn này. Chính vì vậy, người ta cho rằng cuộc gặp lần này tạo ra sự tái khởi động lại trong quan hệ Mỹ - Ấn. Theo tôi, chắc chắn, sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi, mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ nồng ấm trở lại”.

Với ý thức được vai trò là một quốc gia trung lập, Thủ tướng Ấn Độ Modi kể từ khi nhậm chức đã tích cực tiến hành một chính sách đối ngoại đa dạng nhằm tìm lại vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế. Điều đó đã thể hiện rõ nét trong các hoạt động đối ngoại của Ấn độ trong tháng 9 vừa qua.

Đánh giá về những hoạt động ngoại giao này, TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Ưu tiên đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng. Đây là điểm quan trọng nhất vì nếu Ấn Độ muốn tập trung phát triển quan hệ với các nước lớn, cần tạo ra một môi trường hòa bình ổn định ngay tại khu vực xung quanh Ấn Độ.

Tháng 9 có thể coi là tháng “đỉnh điểm” của Ấn Độ trong hoạt động ngoại giao với các nước lớn. Và vấn đề kinh tế là trọng tâm xuyên suốt qua các chuyến thăm của Thủ tướng Modi với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Điểm này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước của Thủ tướng Modi”.

Cũng theo TS. Hoàng Anh Tuấn, khi mối quan hệ Mỹ - Ấn được nâng tầm, sẽ có sự tác động nhất định tới cán cân quyền lực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Cấu trúc quyền lực hiện nay dựa trên những trụ cột: chính sách của các nước lớn – các trung tâm quyền lực quan trọng – là Mỹ, Trung Quốc, ASEAN hay Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia; tương tác lẫn nhau giữa các trung tâm quyền lực và sức ảnh hưởng trong khu vực; cấu trúc kinh tế, an ninh, chính trị. Khi mối quan hệ Mỹ - Ấn được nâng tầm, Ấn Độ sẽ trở thành một trung tâm quyền lực mới trong khu vực mà tất cả các nước phải dè chừng” – TS. Hoàng Anh Tuấn phân tích.

Để có thể lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của TS. Hoàng Anh Tuấn trong chương trình Toàn cảnh thế giới, mời quý vị và các bạn theo dõi qua video dưới đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước