Tuần qua, khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã diễn ra tại New York (Mỹ). Đây là sự kiện chính trị mang tính toàn cầu lớn nhất trong năm, đồng thời quy tụ số lượng lớn nhất các lãnh đạo trên thế giới. Hơn 100 bài phát biểu của các quốc gia mang đến hình ảnh một thế giới với những gam màu tối, sáng. Qua đó, câu hỏi về vị trí, vai trò và uy tín của Liên Hợp quốc hiện nay cũng được đặt ra trước nhiều vấn đề nóng trên thế giới.
PGS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - bày tỏ quan điểm: "Cách đây 71 năm, Liên Hợp quốc được ra đời từ tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ II với mục tiêu xây dựng thế giới hòa bình, ổn định hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa các quốc gia. Hiện nay, mục tiêu đó vẫn là sứ mệnh cao cả của Liên Hợp quốc. Chúng ta không nên nhìn vào những điều Liên Hợp quốc chưa làm được mà nên nhìn vào những mục tiêu họ đặt ra. Tính biểu tượng của Liên Hợp quốc rất quan trọng, đó là tổ chức đa phương toàn cầu không thể thay thế".
PGS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Theo PGS.TS Phạm Quang Minh, sức mạnh của Liên Hợp quốc được thể hiện qua tinh thần đoàn kết, tính kêu gọi và thuyết phục các quốc gia trước nhiều vấn đề. Ông nhấn mạnh: "Mỗi năm, kỳ họp của Liên Hợp quốc có 193 quốc gia thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia cùng hiện diện để đưa ra lời nói, thông điệp của mình. Việc được nói, được bày tỏ ý kiến ở một trong những diễn đàn lớn nhất thế giới đã thể hiện sức mạnh. Đặc biệt, những nước lớn, nước nhỏ đều có tiếng nói ngang bằng nhau, không có sự phân biệt. Điều quan trọng là nước nào thể hiện thông điệp tốt nhất, lưu lại dấu ấn và có sức thuyết phục cao hơn".
Đáng chú ý là ở khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm nay, những vấn đề dân sinh cũng được đề cập nổi bật, trong đó có việc bàn về siêu vi khuẩn kháng thuốc. PGS.TS Phạm Quang Minh nhận định: "Thực tế, từ những năm 1990 – 1994, Liên Hợp quốc đã đưa ra báo cáo về vấn đề an ninh, con người, hướng nhiều hoạt động vào vấn đề dân sinh, lấy con người làm trung tâm và coi an ninh con người là vấn đề trụ cột trong việc giải quyết nhiều vấn đề khác".
"Năm nay, đối mặt với vấn đề về siêu vi khuẩn kháng thuốc, Liên Hợp quốc cho rằng nếu không có biện pháp đối mặt ngay từ bây giờ, thế giới trong những năm tới sẽ bị tàn phá bởi việc sử dụng vô độ, không có kế hoạch đối với các loại thuốc kháng sinh. Điều này đặt ra thách thức bởi chi phí cho ngành y tế sẽ tăng lên rất lớn. Vì thế, Liên Hợp quốc đã phải đặt ra kế hoạch hành động chung, qua đó càng thể hiện mối quan tâm của họ với vấn đề dân sinh".
Để lắng nghe cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Quang Minh về vị trí, vai trò của Liên Hợp quốc, mời quý vị theo dõi qua video Toàn cảnh thế giới dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!