Những ngôi chùa ở An Giang không chỉ thu hút du khách bởi lối kiến trúc lộng lẫy và không gian yên bình mà còn mang trong mình nhiều giá trị. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, một số ngôi chùa vùng Bảy Núi cũng đã trở thành nơi đùm bọc cho cán bộ chiến sĩ hoạt động.
Trải qua dòng thời gian, những ngôi chùa này đã trở thành minh chứng của lịch sử hào hùng của quân và dân An Giang. Điển hình là một ngôi chùa nằm tại thị xã Tịnh Biên với tên gọi Hòa Thạnh. Theo chương trình Miền Tây hôm nay (VTV Cần Thơ), nơi đây còn được mệnh danh là ngôi chùa có nhiều tượng Phật làm bằng gỗ nhất miền Tây.
Chùa Hòa Thạnh còn gọi là chùa Cây Mít, được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa. Không gian sân chùa gây ấn tượng bởi ao Liên Trì lớn, ở giữa là tượng Phật bà Quan Âm cưỡi rồng trang nghiêm. Trên bàn thờ của các vị thần, Phật tại chùa Hòa Thạnh đều có bảng thông tin ghi rõ thời gian thực hiện các bức tượng là vào thế kỷ 19. Theo Hoà thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì của chùa, ở đây có những pho tượng làm bằng gỗ giáng hương, gỗ thao lao. Dù đã trải qua hơn trăm năm nhưng các pho tượng gỗ đều còn tốt, những hoa văn còn đường nét tỉ mỉ.
Nhìn vẻ ngoài yên bình mấy ai biết được ngôi chùa này khi xưa từng là căn cứ hoạt động cách mạng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến.
Năm 1921 – 1923, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đến sống ở chùa, vừa khám bệnh, bốc thuốc cho người dân vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho quần chúng.
Nối tiếp truyền thống tốt đẹp này, những năm qua chùa không chỉ làm tốt công tác Phật sự mà còn mang đến cho đời nhiều giá trị tốt đẹp bằng những việc làm thiết thực như tặng đất xây trường học. Chính vì yếu tố lịch sử hào hùng và văn hóa đặc sắc này mà năm 1992 chùa được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!