Năm 2024, doanh thu phát nhạc trực tuyến ở Việt Nam đạt khoảng 40 triệu USD, trở thành phân khúc dẫn đầu ngành âm nhạc tại Việt Nam. Theo đó, người dùng dành thời gian nghe nhạc nhiều nhất từ 1 - 2 tiếng/ngày. Youtube với tỷ lệ người dùng là 99,6%, giữ vị trí đầu bảng nền tảng nghe nhạc phổ biến; Tiktok theo sát với 99% như tính phổ biến của các video ngắn và các bài hát xu hướng; Facebook đứng thứ ba với 96%, cho thấy thế mạnh trong việc kết nối người dùng và người chia sẻ. Trong cả năm 2023 và 2024, người dùng đều đánh giá cao ba yếu tố quan trọng khi lựa chọn nền tảng, đó là giao diện dễ sử dụng, kho nhạc đa dạng và mức phí rẻ.
Những con số ấn tượng trong một nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT Việt Nam cho thấy bức tranh tổng quan về ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo nên môi trường lý tưởng cho các nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới thực hành nghệ thuật, từ đó định hình một làn sóng âm nhạc mới xuất hiện trên các nền tảng số tại Việt Nam với rất nhiều nghệ sĩ tài năng. Điều này đồng thời cũng được cộng hưởng bởi sự đón nhận nhiệt tình từ người hâm mộ. Bằng việc ủng hộ và chia sẻ các sản phẩm âm nhạc trên mạng xã hội, công chúng trẻ đang đóng vai trò then chốt trong thành công về mặt doanh số trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến của nghệ sĩ Việt Nam.
Các ca khúc do nghệ sĩ Việt sáng tác xuất hiện ngày càng nhiều trên các bảng xếp hạng của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến toàn cầu như Spotify, Apple Music, đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường âm nhạc. Giờ đây khán giả Việt sẵn sàng chi trả tiền cho dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. Thậm chí, thị trường âm nhạc Việt Nam năm nay đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong sở thích và xu hướng nghe nhạc của công chúng. Những người hâm mộ sẵn sàng chi tiêu cho nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, từ các album, bài hát lẻ tới cả các ca khúc trong các chương trình âm nhạc và các sản phẩm âm nhạc quảng cáo kết hợp giữa nghệ sĩ với thương hiệu vốn đã được thương mại hóa.
Một nhân tố làm nên sự lớn mạnh của thị trường nhạc số Việt Nam thời gian qua chính là hiệu quả của công tác bản quyền trên nền tảng số. Việc thực thi bản quyền âm nhạc cũng góp phần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công nghiệp giải trí lớn. Nỗ lực từ công tác bảo vệ bản quyền đã buộc các nền tảng phát trực tuyến như Spotify, Apple Music, Youtube… phải đảm bảo chia sẻ doanh thu công bằng với chủ sở hữu.
Có thể nói, nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của nhạc số Việt Nam chính là các nghệ sĩ. Họ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các bảng xếp hạng âm nhạc và các trang mạng xã hội, cũng như ngày càng phụ thuộc hơn vào các nền tảng các nhà trực tuyến như một nguồn doanh thu mới. Ngày càng có nhiều hơn các nghệ sĩ việt đạt được số lượng người xem ấn tượng, trên một tỷ view trên các nền tảng số các sản phẩm âm nhạc phát hành trên nền tảng số. Các nền tảng này cũng ngày càng được đầu tư xứng tầm.
Bức tranh nhạc số Việt đang từng bước chuyển mình dự báo về một thị trường sôi động đầy tiềm năng và đổi mới. Đây là thời điểm vàng để các nghệ sĩ mạng lưới các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan quản lý và người yêu âm nhạc cùng chung tay xây dựng thị trường âm nhạc số Việt Nam chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tiềm năng. Hành vi đang dần thay đổi của người nghe từ nền tảng yêu thích đến thời gian và không gian nghe nhạc đòi hỏi thời gian tới cần có cách tiếp cận chiến lược và thích ứng từ toàn bộ hệ sinh thái âm nhạc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!