Trong tuần qua, liên tiếp các đại nhạc hội, các sự kiện âm nhạc lớn, các lễ trao giải được phát sóng trực tiếp trên nền tảng số để tiếp cận đông đảo khán giả. Dịp cuối năm cũng là lúc các nền tảng giải trí trực tuyến đưa ra các bảng tổng kết về thói quen người dùng. Nếu cài những ứng dụng giải trí trực tuyến như là nghe nhạc, xem phim thì mỗi người có thể biết một năm qua mình nghe những ca khúc, nghệ sĩ nào nhiều nhất, dành bao nhiêu thời gian cho các ứng dụng này. Điều đó đang dần tác động đến ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam cũng như thế giới.
Với sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số, nhiều lĩnh vực sáng tạo và sản xuất sản phẩm văn hóa đã được công nghệ hóa, kinh tế hóa. Các yếu tố văn hóa và công nghệ ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ. Mới đây, tại Hội nghị Toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh xây dựng các sản phẩm văn hóa số, giải trí số để phục vụ người dân.
Môi trường số đã tạo nên các hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, đưa văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận văn hóa. Các buổi trình diễn trực tuyến, các nhà hát trực tuyến, bảo tàng trực tuyến, sách điện tử, sách nói, du lịch số hay du lịch thông minh đang mang tới những trải nghiệm văn hóa đầy mới mẻ cho người dân. Nên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số cũng mang tới những thay đổi trong cách thức giải trí của mọi người.
Công nghệ 5G không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực viễn thông mà còn tác động sâu rộng đến ngành giải trí số trên toàn cầu. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của 5G là việc phát sóng trực tiếp các sự kiện thể thao chất lượng cao. Các trận đấu tại World Cup, Olympic hay giải E-sport giờ đây được chuyển tải với chất lượng 4K, hay thậm chí là 8K kèm theo các tùy chọn góc quay linh hoạt cho người xem. Bên cạnh thể thao, công nghệ 5G còn mang lại những đổi mới trong tổ chức các đại nhạc hội trên không gian ảo. Các nền tảng thực tế ảo và thực tế tăng cường đã phát triển nhanh chóng, cho phép khán giả tham gia vào các buổi biểu. Các ngôi sao âm nhạc lớn cũng tổ chức các buổi biểu diễn ảo trên các nền tảng thu hút hàng triệu khán giả toàn cầu.
Công nghệ phát triển, nhu cầu thị trường gia tăng, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số từ cơ quan quản lý, tất cả các yếu tố này đều thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm văn hóa số, giải trí số chuyên nghiệp. Các cá nhân cũng như các doanh nghiệp ngày càng mạnh tay đầu tư cả công nghệ và nội dung cho lĩnh vực này.
Với sự phát triển của hạ tầng số và các nền tảng số, công nghiệp văn hóa cũng như thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa phát triển với tiềm năng của các lĩnh vực này. Nhờ vậy, người dân được thụ hưởng các giá trị của văn hóa tốt hơn, đa dạng, chất lượng hơn. Văn hóa số phát triển cũng sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế số, xã hội số ở nước ta, góp phần phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!