Trẻ thấp lùn không chỉ do thiếu canxi

Phương Nga, icon
02:06 ngày 20/06/2019

VTV.vn - Nhiều cha mẹ khi thấy con chậm phát triển chiều cao lại cho rằng nguyên nhân là do thiếu can xi nên tự ý bổ sung canxi liều cao, dẫn đến tình trạng trẻ bị ngộ độc can xi.

Hình minh họa.

Theo Tiến sĩ Phan Bích Nga - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ chậm phát triển chiều cao không chỉ liên quan đến những yếu tố thiếu canxi, dinh dưỡng và di truyền, mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Các nguyên nhân khiến trẻ bị thấp lùn khác cần lưu ý bao gồm: nội tiết, thai nhi suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, trẻ sinh ra nhẹ cân, bất thường nhiễm sắc thể, một số loại thiếu máu, hậu quả của việc sử dụng một loại thuốc khi mang thai của bà mẹ...

Trong đó, thiếu hormone tăng trưởng là bệnh lý có tỷ lệ 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì.

Chiều cao lúc trưởng thành là kết quả của sự kết hợp của các yếu tố: gene di truyền, giới tính, chế độ dinh dưỡng, sức khỏe, hoạt động thể chất, giấc ngủ. Yếu tố gene chỉ quyết định 25% chiều cao của 1 người trưởng thành. Tuy nhiên, nếu trẻ có gene thấp nhưng được tạo mọi điều kiện phát triển thì sẽ phát huy được tối đa chiều cao trên gene đó. Ngược lại, nếu trẻ có gene cao nhưng các điều kiện chăm sóc không đạt cũng khó đạt được chiều cao tiềm năng, trẻ vẫn có nguy cơ thấp dưới chuẩn trung bình.

Tiến sĩ Nga cho biết thêm: giai đoạn quan trọng nhất để can thiệp chiều cao cho trẻ là 1.000 ngày đầu đời, từ khi mang thai đến khi trẻ 2 tuổi. Đây chính là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt và nhanh nhất. Sau này, trẻ còn giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

Việc theo dõi phát triển của trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần. Nếu chiều cao của trẻ chỉ tăng dưới 2 cm trong mỗi 6 tháng thì có nghĩa là đang có dấu hiệu bất thường. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng.

Nếu xác nhận trẻ không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng. Nếu trong trường hợp trẻ không phát triển chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng thì sẽ được điều trị bằng hormone. Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng nhằm mục đích giúp trẻ đạt được chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt, giúp trẻ phát triển xương, tăng cơ, giảm mô mỡ, tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể... giúp cải thiện vóc dáng.

Trẻ được bắt đầu điều trị hormone tăng trưởng sau khi đủ 2 tuổi và kết thúc khi tuổi xương đã được 14 - 15 tuổi (đối với trẻ gái) hoặc 15 - 16 tuổi (đối với trẻ trai) hoặc có thể ngừng sớm hơn khi tốc độ tăng trưởng của trẻ đạt được ít hơn 2cm/năm. Tuy nhiên, trẻ phải được theo dõi chặt chẽ trong 3 - 6 tháng để theo dõi đáp ứng điều trị đồng thời phát hiện sớm các tác dụng phụ ngắn hạn có thể gặp phải.

Còn theo TS Vũ Chí Dũng - Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, tại Việt Nam đã thực hiện điều trị hormone tăng trưởng đối với các bệnh như: thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần, suy thận mạn, hội chứng Turner, trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai và không đuổi kịp tăng trưởng lúc 4 tuổi hoặc muộn hơn, chậm phát triển chiều cao... áp dụng với trẻ nhỏ hoặc trẻ vị thành niên.

Sử dụng hormone tăng trưởng chiều cao là vấn đề còn tương đối mới đối với nhiều bệnh viện tại Việt Nam cũng như đối với các bậc phụ huynh có con kém phát triển chiều cao. Từ năm 2003 - 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu điều trị cho những trường hợp thiếu hormone tăng trưởng đầu tiên. Tuy nhiên, do đặc thù thuốc phải dùng trong thời gian lâu dài, không được bảo hiểm y tế chi trả nên chưa có nhiều bệnh nhân tham gia điều trị.

Nhiều trẻ chậm tăng trưởng đến bệnh viện khi đã qua giai đoạn vàng nên kết quả điều trị chưa thực sự được như mong muốn, do đó TS Dũng khuyến cáo: khi thấy trẻ có các biểu hiện tốc độ tăng trưởng của trẻ khá chậm, dưới 4cm/năm; tăng lớp mỡ ở dưới da bụng, má tròn bầu bĩnh; trẻ trai có dương vật nhỏ; thể trạng nhi tính (trẻ có tầm vóc, khuôn mặt đều thấp hơn so với trẻ cùng độ tuổi) thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi để thăm khám sớm và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục