Tắc động mạch phổi cấp nguy hiểm thế nào?

Linh Chi, icon
09:44 ngày 26/07/2020

VTV.vn - Tắc động mạch phổi là tình trạng động mạch phổi bị bít tắc bởi cục máu đông (chiếm tới hơn 90%), tổ chức mỡ hoặc tắc bởi khí.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cục máu đông thường xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu - nơi có dòng máu chảy chậm, dễ vón lại. Cục máu đông này sau khi hình thành có thể di chuyển theo dòng máu về tim và bắn lên gây tắc động mạch phổi.

Hậu quả nguy hiểm nhất cho bệnh nhân là tình trạng sốc, tụt huyết áp và khi biến cố ngừng tuần hoàn xảy ra thì rất khó để cứu vãn. Thuốc tiêu sợi huyết dường như là cứu cánh duy nhất trong tình huống này.

Khi cục máu đông gây bít tắc dòng máu đi ra của quả tim khiến hoạt động bơm máu của tim bị ảnh hưởng. Tùy từng trường hợp mà mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trường hợp nhẹ thì bệnh nhân xuất hiện đau ngực, khó thở, ho máu. Nặng hơn có thể gây suy tim, suy hô hấp (thiếu oxy máu do quá trình trao đổi khí bị ảnh hưởng), nặng hơn nữa có thể gây ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập). Vì vậy việc tái thông động mạch phổi là yếu tố quan trọng nhất để điều trị bệnh này.

Khi bệnh nhân bị suy hô hấp - suy tuần hoàn nặng, việc di chuyển bệnh nhân tới phòng can thiệp hay phòng mổ là vô cùng khó khăn; chưa kể đến việc can thiệp sẽ là các đại phẫu, nguy cơ tử vong cao và chi phí kéo theo rất lớn. Vì thế, thuốc tiêu sợi huyết là biện pháp được ưu tiên trong trường hợp này, có thể dùng ngay tại chỗ cho bệnh nhân. Mặc dù vậy, đây cũng là loại thuốc có thể gây ra chảy máu đặc biệt là các chảy máu nguy hiểm như chảy máu não, chảy máu đường tiêu hóa… Cho nên chỉ có các bác sĩ được đào tạo, nắm vững quy trình, tôn trọng các chống chỉ định của thuốc mới được dùng loại thuốc này.

Bệnh nhân cần làm gì khi bị tắc động mạch phổi cấp?

Người bệnh cần khám cấp cứu ngay khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ tắc động mạch phổi cấp như: đau ngực, khó thở, ho máu, nhịp tim nhanh, sưng đau chân một bên, đặc biệt lại xuất hiện ở những người tuổi cao, bị ung thư, béo phì, sau mổ.

Khi được phát hiện có bệnh lý huyết khối (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, tắc động mạch phổi), người bệnh cần hạn chế vận động trong những ngày đầu, kể cả việc đi vệ sinh. Tránh như trường hợp chúng tôi đã nêu ở trên, việc bệnh nhân tự ý rời khỏi giường bệnh đi lại có thể chính là tác nhân khiến các cục máu đông ở chân bứt ra khỏi lòng mạch và di chuyển đến tim và động mạch phổi gây tắc nghẽn cấp và ngừng tim. Nếu không được xử trí kịp thời, khả năng tử vong gần như chắc chắn.

Điều cuối cùng là người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của thầy thuốc vì bệnh lý này đòi hỏi quá trình điều trị và theo dõi sát. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, có thể kéo dài suốt đời trong một số trường hợp. Dừng điều trị đột ngột có thể khiến cho cục máu đông không tiêu đi hết mà hậu quả là suy tim mạn và hội chứng hậu huyết khối (suy tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch mạn tính).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục