Phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Tuấn Bảo, icon
09:00 ngày 22/07/2018

VTV.vn - Ung thư vòm họng là thể ung thư thường gặp nhất trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.

Ung thư vòm họng và cách điều trị hiệu quả nhất hiện nay là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Dưới đây là những phương pháp được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt chia sẻ:

Phương pháp tia xạ

Với ung thư vòm hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia xạ cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sĩ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.

Xạ trị ngoài dùng các chùm tai phóng xạ mạnh như tia X chẳng hạn, để phá hủy mô ung thư. Người bệnh nằm dài trên một bàn phẳng, máy xạ xoay chuyển xung quanh phát tia nhắm đúng vào vị trí ung thư, chiếu tia xạ từ bên ngoài cổ vào thấu đến vòm họng. Xạ trị gây một số tác dụng phụ tạm thời như da vùng xạ bị mẩn đỏ, nghe không rõ và khô miệng. Xạ trị trong (còn gọi là áp sát) có ống dẫn nguồn phóng xạ đi vào trong khối ung thư hoặc áp sát vào, dùng cho ung thư thật nhỏ hoặc tái phát.

Phương pháp hóa chất

Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm họng có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u. Hóa trị có dạng thuốc uống và dạng thuốc truyền tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ quyết định dùng các thuốc nào và trong bao lâu. Ở vào những trường hợp cần thiết, có thể kết hợp cả hóa trị và xạ trị cùng lúc.

Phương pháp phẫu thuật

Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu, nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay, với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm họng thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra, phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.

Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục