Suy dinh dưỡng thấp còi được coi là trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển, ảnh hưởng tới 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2016, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi đang ở mức 24,3% nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Việc phát hiện và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là hết sức quan trọng trong cải thiện, phòng ngừa các bệnh tật mà trẻ mắc phải. Ths.Bs Ngô Thị Hà Phương - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia có những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi:
Các yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em được xác định là: cân nặng sơ sinh thấp, trình độ học vấn của bà mẹ, nghề nghiệp, kinh tế hộ gia đình, tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và các tình trạng bệnh lý khác như tiêu chảy, sốt… Các phân tích cho thấy: cân nặng sơ sinh thấp ảnh hưởng lớn đến khả năng suy dinh dưỡng thấp còi sau này của trẻ.
Trình độ học vấn có liên quan đến sự hạn chế về kiến thức chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của bà mẹ. Các gia đình ở nông thôn điều kiện kinh tế kém hơn trẻ có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng thấp còi cao hơn do khả năng tiếp cận với lương thực thực phẩm hạn chế. Bà mẹ có chiều cao thấp so với chiều cao trung bình (dưới 153 cm) có nguy cơ con bị mắc suy dinh dưỡng thấp còi cao hơn so với bà mẹ có chiều cao trung bình. Các bé gái được sinh ra bị suy dinh dưỡng khi lớn lên trở thành những bà mẹ bị suy dinh dưỡng và sinh con suy dinh dưỡng theo chu kỳ lặp đi lặp lại.
Suy dinh dưỡng thấp còi là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ và khi trưởng thành, giảm khả năng học tập và năng suất lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư ... sau này. Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo trong 1.000 ngày đầu đời.
Thiếu ăn, đói nghèo, bệnh tật là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra suy dinh dưỡng thấp còi. Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn "cửa sổ cơ hội": từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Trẻ em có khả năng đạt được chiều cao tối đa theo tiềm năng nếu được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, hưởng các dịch vụ về y tế, dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách.
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ
Sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền và các yếu tố môi trường khác như dinh dưỡng, bệnh tật. Trong đó, dinh dưỡng được coi là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất. Ước tính, chiều cao của trẻ khi trưởng thành sẽ tăng thêm trung bình khoảng 77cm tính từ khi chiều cao của trẻ 3 tuổi. Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (từ khi bà mẹ mang thai đến khi bé 24 tháng tuổi – tròn 2 tuổi) được coi là giai đoạn lập trình cho sự tăng trưởng và phát triển sau này của trẻ.
Tăng cường dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những can thiệp có tác động tích cực đến chiều cao của trẻ. Đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin A, sắt/acid folic, kẽm, i-ốt, calci, đa vi chất có thể coi là hiệu quả giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng.
Dinh dưỡng bà mẹ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi
Dinh dưỡng trước và trong khi mang thai có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ làm hạn chế tăng trưởng của thai nhi, do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Người mẹ thấp còi khi có thai làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân, thấp còi và sảy thai. Tình trạng phát triển của thai nhi gắn liền với dinh dưỡng của người mẹ và trọng lượng sơ sinh thấp là một yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất và nhận thức của trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ sơ sinh, với công thức độc đáo, cân bằng về dinh dưỡng cần thiết cho chức năng tế bào tối ưu và tăng trưởng. Hơn nữa, thành phần các chất dinh dưỡng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ phát triển của trẻ. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Cách phát hiện trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Để xác định được trẻ có phải là suy dinh dưỡng thấp còi hay không cần đo chiều dài nằm/ chiều cao đứng của trẻ và sử dụng chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006 cho trẻ dưới 5 tuổi để xác định tình trạng dinh dưỡng và mức độ suy dinh dưỡng. Đo chiều dài nằm với trẻ dưới 24 tháng tuổi và đo chiều cao đứng với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, kết quả đo được so sánh với chuẩn tăng trưởng của WHO theo từng lứa tuổi (tính theo tháng).
Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi, cùng giới (dưới ngưỡng -2SD). Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân, đo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ: trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo 1 tháng/1lần, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể cân đo 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng cần cân, đo 1 tháng/1 lần.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Hai vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng thấp còi đó là giúp phát triển chiều cao tối ưu để bắt kịp đà tăng trưởng và tăng cường miễn dịch. Quá trình chăm sóc bắt đầu từ giai đoạn bà mẹ trước và trong khi mang thai đến khi trẻ sinh ra, nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ ăn bổ sung đến lứa tuổi tiền học đường. Cần đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của trẻ là yếu tố chính tác động đến khả năng phát triển chiều cao của trẻ.
Trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thấp canxi (không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ...), dùng muối i-ốt trong chế biến thức ăn. Trẻ cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ: bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12 – 59 tháng tuổi.
Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá… Tăng đậm độ năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu/mỡ, bằng giá đỗ hoặc men enzyme, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin. Cần ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua, nấu nhừ để ăn cả vỏ, xương sẽ hấp thu được nhiều canxi.
Một số vi chất dinh dưỡng tác động đến phát triển chiều cao ở trẻ
Vitamin A, I-ốt, sắt: Vitamin A rất cần thiết cho tầm nhìn, sự biệt hóa về tế bào, chức năng miễn dịch và tạo xương. Iốt là nguyên tố vi lượng thiết yếu để ngăn ngừa bệnh bướu cổ và bệnh chậm phát triển trí não đần độn. Trong giai đoạn phát triển, cơ thể phụ thuộc nhiều vào sắt, sắt giúp vận chuyển oxy tới các tế bào cơ thể. Nhu cầu sắt tăng cao trong cả thực phẩm và bổ sung. Các thực phẩm giàu sắt như thịt, hải sản, đậu đỗ, rau màu xanh đậm, thực phẩm tăng cường sắt.
Canxi: Thức ăn giàu canxi bao gồm sữa, phomat, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu tương, cá,…Gần đây ở thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm có tăng cường canxi như bánh mì, bánh bích quy, nước cam, ngũ cốc ăn liền. Nhu cầu canxi của trẻ dưới 6 tháng tuổi là 300 mg/ngày, từ 6 -11 tháng tuổi là 400mg/ngày, từ 1 – 2 tuổi là 500mg/ngày, từ 3 – 5 tuổi là 600mg/ngày. Phụ nữ có thai và cho con bú có nhu cầu canxi cao nhất tương ứng là 1.200mg và 1.300mg.
Trẻ từ 3 - 5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, 1 đơn vị chứa 100mg canxi, 1 miếng phô mai (15g phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).
Kẽm: Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển. Kẽm cũng tương tác với những hormone quan trọng tham gia vào tăng trưởng xương. Kẽm làm tăng hiệu quả của vitamin D lên chuyển hóa xương thông qua kích thích tổng hợp ADN trong tế bào xương.
Các thực phẩm giàu kẽm gồm có thịt đỏ, một số hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và một số ngũ cốc ăn liền được tăng cường kẽm. Trong 100g sò chứa 13,4mg kẽm, 100g thịt lợn chứa 5,76mg kẽm, 100g thịt bò chứa 4,05mg kẽm.
Vitamin D: Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển (hải cẩu và gấu vùng cực), trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D. Trong 100g cá chép chứa 24,7mcg vitamin D, 100g cá hồi chứa 10,88mcg vitamin D, lòng đỏ trứng gà chứa 2,88mcg/100g. Thực phẩm giàu vitamin D giúp tăng cường hấp thu canxi, làm xương chắc khỏe và tăng trưởng tốt. Trẻ cần tăng cường vận động ngoài trời và sử dụng những thực phẩm giàu vitamin D và canxi.
Ngoài tác dụng của các vi chất dinh dưỡng giúp tăng trưởng chiều cao, nó còn giúp tăng cường miễn dịch đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Đó là hai vấn đề quan trọng để trẻ suy dinh dưỡng thấp còi phát triển chiều cao tối ưu để bắt kịp đà tăng trưởng và tăng cường miễn dịch.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh theo vòng đời là điều cần thiết cho sự phát triển và chiều cao của con người. Di truyền là một yếu tố chính trong chiều cao tổng thể, nhưng dinh dưỡng là chìa khóa để có xương và cơ khỏe mạnh sẽ giúp đạt được chiều cao tối ưu, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
VTV.vn - Từ ngày 1-10/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai chiến dịch uống vitamin A vòng II năm 2024 cho trẻ từ 06-35 tháng tuổi.
VTV.vn - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên phạm vi toàn quốc đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng.
VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bé trai bị thoát vị hoành bẩm sinh ngay khi vừa chào đời.
VTV.vn - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn về việc, đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
VTV.vn - Sở Y tế Hà Nội vừa có cập nhật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tuần qua.
VTV.vn - Liên cầu khuẩn nhóm B Streptococcus (GBS) là một trong nhiều loại vi khuẩn thường trú ở cơ thể người, thường tìm thấy ở âm đạo hoặc trực tràng của phụ nữ.
VTV.vn - Bộ Y tế vừa thành lập đoàn công tác đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh bạch hầu tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
VTV.vn - Áp lực về kinh tế, công việc, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con.
VTV.vn - Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới.
VTV.vn - Sở Y tế tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm A/H1pdm sau khi ghi nhận 4 ca tử vong.
VTV.vn - Ngộ độc thuốc gây tê khi nhổ răng là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm.
VTV.vn - Người phụ nữ 54 tuổi, phải nhập viện sau khi tự ý tiêm thuốc vào vùng bắp tay tại nhà.
VTV.vn - Bệnh nhân nữ 73 tuổi, có triệu chứng đau đầu dai dẳng, gần đây bệnh nhân đau nhiều hơn kèm theo buồn nôn nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm.
VTV.vn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận sự gia tăng số lượng trẻ đến khám Khoa Nam học do các vấn đề liên quan đến béo phì, điển hình là vùi dương vật, tinh hoàn nhỏ.