Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm an toàn ngày Tết

P.V, icon
03:30 ngày 18/01/2020

VTV.vn - Chọn lựa thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo an toàn sẽ góp phần giữ niềm vui trọn vẹn trong những ngày Xuân ở mỗi gia đình.

Hình minh họa.

Năm hết, Tết đến, bên cạnh việc mua sắm, sửa sang, trang trí lại nhà cửa, cây cảnh… thì những bữa tiệc sum họp gia đình trong những ngày Tết là không thể thiếu. Vậy lựa chọn và bảo quản thực phẩm như thế nào là đúng?

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu.

Thực phẩm đóng gói, đóng hộp

Các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Không chọn hộp có nắp bị phồng lên bất thường.

Chọn thực phẩm tươi sống rõ nguồn gốc

Giáp Tết là khoảng thời gian các loại thực phẩm ồ ạt được chở đến và bày bán tại chợ. Nếu không tinh mắt, bạn có thể mua nhầm thực phẩm kém chất lượng. Người mua có thể chọn mua thịt lợn tươi, không qua tẩy hóa chất như sau:

- Chọn thịt có màu hồng tươi, các thớ thịt đều, ngửi không có mùi lạ, sờ thịt thấy dẻo và dính. Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng. Lựa chọn thịt bò giống như thịt lợn: màu thịt bò thường đỏ tươi (thịt bò có màu đỏ sẫm không phải thịt ngon), thịt dẻo, có độ đàn hồi, sờ dính không có nhớt.

Với các loại thịt gà làm sẵn nên chọn con có thân hình nhỏ gọn, săn chắc, ức hẹp. Da có màu vàng tự nhiên (từ trắng ngà đến vàng tươi). Da gà ta có vàng nhạt và chỉ vàng đậm ở một số chỗ như ức, cánh, lưng.

Rau củ quả

Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc phủ bụi tức là hàng cũ kém tươi.

Khi sử dụng, cần nhặt rau kỹ và rửa sạch rồi ngâm ngập trong nước sạch 15 - 20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, ngâm rau trong dung dịch nước muối, rửa trôi 2 - 3 lần dưới vòi nước chảy.

Nếu là củ, quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ và những phần dập nát.

Thực phẩm đã nấu chín

Thức ăn sống và chín nên được để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn chéo. Thức ăn sống cũng cần sơ chế sạch sẽ, bảo quản hộp kín hoặc bao chuyên dụng và bỏ chỗ dập nát trước khi cho vào tủ.

Với ngăn đông, thức ăn phải được sơ chế sạch sẽ rồi mới cấp đông. Thực phẩm có thể dự trữ khoảng 2 tháng, song cần lưu ý sau khi rã đông thì nên chế biến hết chứ không nên cấp đông trở lại vì các tinh thể nước tan ra đã làm vỡ màng các tế bào, thực phẩm rất dễ bị hư hỏng nếu để trở lại.

Theo chia sẻ của các Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với những thức ăn đã chế biến sẵn chúng ta cần phải lưu ý đến hạn dùng cũng như các thành phần có trong thức ăn. Tùy theo hướng dẫn mà người dùng phải bảo quản thức ăn đúng cách. Một khi có các triệu chứng bất thường như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… bệnh nhân cần đến ngay các bệnh viện uy tín để kịp thời thăm khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục