Nguy cơ giảm thị lực ở phụ nữ mang thai

Như Thúy, icon
01:34 ngày 28/10/2018

VTV.vn - Khi phụ nữ mang thai, tại mắt có những thay đổi mang tính sinh lý. Trong đó có những thay đổi sẽ biến mất sau sinh, có những thay đổi mang tính bệnh lý thực sự.

Hình minh họa (Ảnh: momjunction)

Khi mang thai, do những thay đổi về hormone và huyết động nên tại mắt có những thay đổi mang tính sinh lý, trong đó có những thay đổi sẽ biến mất sau sinh như: mắt bị khô, bị mờ, sưng mắt. Ngoài ra còn có những thay đổi mang tính bệnh lý thực sự đó là bệnh võng mạc thai nghén. Thai nghén có thể làm tăng nặng cũng như giảm nhẹ một số bệnh lý mắt vốn có.

Thay đổi mắt không mang tính bệnh lý

Hormone sinh dục làm tăng giữ nước tại các tổ chức nhiều sợi collagen. Giác mạc có rất nhiều sợi collagen nên khi mang thai, độ cong của nó có thể thay đổi, gây ra cận hoặc loạn thị từ tuần thứ 30 của thai kỳ trở đi.

Các sản phụ nên tháo kính tiếp xúc khi mang thai do giác mạc phù, độ cong giác mạc thay đổi, thiếu nước mắt…. Phù mi, sụp mi do phù gian bào có ở khoảng 12% trong số các sản phụ. Một số ca nặng phải phẫu thuật nếu sau sinh sụp mi vẫn tồn tại kéo dài.

Bệnh về mắt ở phụ nữ mang thai

Bệnh lý võng mạc

Khi chuyển dạ, do gắng sức thái quá có thể xảy ra một vài tai biến về đáy mắt: xuất huyết vùng hoàng điểm, xuất huyết dưới - trong - trước võng mạc gây giảm thị lực mạnh, đa phần sẽ hồi phục sau vài tuần.

Mắt bị khô

Khi mang thai mắt trở nên khô, các dấu hiệu biểu hiện: mắt bị chảy nước, mắt trở nên bị nhạy cảm đặc biệt là với khói thuốc lá, cảm thấy có những đốm sáng, nhức trong mắt; mắt luôn cảm thấy giống như đang có bụi.

Để tránh tình trạng khô mắt, khi mang thai và cả sau sinh nên chọn một loại thuốc nhỏ mắt an toàn để vệ sinh mắt hàng ngày.

Một số trường hợp, chứng khô mắt còn đi kèm với dấu hiệu mắt bị sưng đỏ. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới các bệnh về mắt trầm trọng hơn.

Mờ mắt

Hiện tượng trữ nước (phù) khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thị giác của bạn. Khi ấy, giác mạc và thủy tinh thể trở nên dày hơn, gây cản trở tuần hoàn ở vùng mắt (đặc biệt là nhãn cầu). Nó khiến cho thị lực của bạn giảm sút (mờ mắt).

Điều trị: có thể bạn sẽ được bác sĩ chỉ định việc đeo kính để hỗ trợ thị giác trong thời gian mang thai. Sau khi sinh, nếu mắt bạn trở lại bình thường thì bạn không cần phải tiếp tục đeo kính nữa. Phần lớn phụ nữ bị mờ mắt khi mang thai, mắt của họ sẽ trở lại bình thường khoảng 6 tuần sau sinh.

Mí mắt bị sưng

Sưng mí mắt cũng là một trong những rắc rối về mắt, do thay đổi hormone khi bạn mang thai. Hiện tượng này có thể gây cản trở tầm nhìn của bạn, khiến bạn nhìn kém hơn.

Nếu có tiền sử với bệnh glôcôm (bệnh tăng nhãn áp), huyết áp cao hoặc tiểu đường thì nên thông báo tình trạng bệnh của bản thân với bác sĩ. Bác sĩ sẽ chú trọng đến việc kiểm tra và phòng ngừa các chứng bệnh về mắt trong thời gian thai nghén.

Nếu muốn điều trị chứng bệnh glôcôm, trước hay trong giai đoạn mang thai nên đi đến khám ở viện chuyên khoa mắt để bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt nhất.

Chú ý đến những biến chứng tại mắt

Tăng huyết áp gây lo ngại không chỉ cho bác sĩ tim mạch mà cả bác sĩ mắt. Trong quá trình mang thai, huyết áp rất khó kiểm soát dẫn đến nhiều biến chứng cho mắt. Bệnh mắt do nhiễm độc thai nghén, do tăng huyết áp ác tính là điều nguy hiểm nhất. Các biểu hiện trên đáy mắt: xuất huyết võng mạc, xuất tiết dạng lipid, bong võng mạc thanh dịch. Mắt giảm thị lực mạnh hoặc mù vỏ não tương ứng với dấu hiệu toàn thân nặng: phù, cao huyết áp, tiền sản giật hoặc sản giật. Đa phần mắt sẽ phục hồi hoàn toàn nếu điều trị nội khoa đáp ứng, đôi khi phải bằng đình chỉ thai nghén. Một tỷ lệ giảm thị lực bất khả hồi nếu có tắc mạch trung tâm võng mạc, thiếu máu thị thần kinh, nhồi máu não.

Bong tróc võng mạc sau sinh

Ở các bà bầu, nhất là những người có các tật khúc xạ ở mắt như cận, viễn thị hay bị tiểu đường, cao huyết áp hoặc từng có chấn thương mắt thì nguy cơ bị bong võng mạc gấp tới 4 lần người bình thường.

Bong võng mạc thực chất là một biến chứng của các bệnh khác như xuất huyết mắt, thoái hóa võng mạc ngoại vi… Đặc biệt, ở bệnh nhân cận thị, do trục nhãn cầu bị kéo dài nhiều năm, võng mạc bị giãn mỏng và thoái hóa, trở nên yếu ớt trước những tác động cơ học. Một trong những tác động đó chính là quá trình sinh nở. Việc sinh đẻ sẽ tạo một áp lực rất lớn đến cho cơ thể sản phụ, trong đó có mắt và sẽ làm tăng nguy cơ bong võng mạc ở sản phụ – nhất là người cận thị – lên nhiều lần.

Tuy nhiên, nếu những tổn thương võng mạc được phát hiện sớm, tốt nhất là ngay ở tháng đầu của thai kỳ, bệnh nhân chỉ cần trải qua một lần điều trị gia cố võng mạc bằng laze trong 15 phút thì có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ này. Đây là một phương pháp điều trị không đau, không chảy máu, chỉ tác động lên vùng ngoại vi của mắt nên sẽ không ảnh hưởng cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Các bác sĩ khuyến cáo: tốt nhất, thai phụ cần phải đi khám đáy mắt ít nhất một lần trong toàn bộ thai kỳ, riêng với bệnh nhân cận thị hoặc tiểu đường cần khám 3 tháng một lần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục