Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk

Lê Thạch, icon
07:43 ngày 03/12/2018

VTV.vn - Nhiều năm nay, ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk kiên trì triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đến tận từng trạm y tế xã trên cao nguyên xa xôi.

"Tại sao phím A lại không nằm cạnh phím B cho tôi dễ gõ nhỉ?..." - đó là câu hỏi của một nhân viên ngành Y tế Đắk Lắk khi lần đầu tiếp xúc với bàn phím máy vi tính. Nhớ lại câu chuyện này, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nở nụ cười sảng khoái. Lạ lẫm và thậm chí ngại ngùng khi động vào máy vi tính để tác nghiệp, đó là tâm trạng ban đầu của không ít cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là những người đã lớn tuổi - khi Sở Y tế quyết định ứng dụng công nghệ thông tin tới tận các trạm y tế xã. Theo ông, hành trình đưa máy vi tính, phần mềm tác nghiệp về xã... từng là một "cuộc chiến" vô vàn gian nan. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác. 100% trạm y tế xã đều đã được công nghệ hóa với nhiều trang thiết bị hiện đại và cả đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng sử dụng công nghệ thành thục. 

Ông Doãn Hữu Long cho biết: "Để có được thành tựu như ngày hôm nay, là sự dốc sức không quản ngày đêm của toàn ngành y tế cùng các đối tác để triển khai ứng dụng công nghệ một cách có hệ thống và đồng bộ từ cơ sở tới đầu não bộ máy ở tỉnh. Nhiều cán bộ Sở cũng đã cùng ăn cùng ngủ, xuống tận cơ sở để "cầm tay chỉ việc" cho các nhân viên y tế ở buôn làng".

Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 1.

Ông Doãn Hữu Long - GIám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - người tâm huyết với việc đưa công nghệ thông tin về tới từng trạm y tế xã.

Hiện nay, 184/184 trạm y tế xã và 15 trung tâm y tế tại Đắk Lắk, trong đó có nhiều xã vùng sâu vùng xa, đã trang bị máy siêu âm, điện tim, điện thoại, nối internet và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh. Tỉnh cũng có trên 40% trạm y tế triển khai cụm xét nghiệm (huyết học, sinh hóa, nước tiểu) giúp bệnh nhân không phải đi xa đến các trung tâm huyện, thị trấn để thực hiện các xét nghiệm như trước. Đặc biệt, các xã vùng biên giới đã xây dựng được các trạm y tế quân dân y, trang bị nhiều trang thiết bị, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, phần mềm MMS.Net phiên bản dành cho trạm y tế đã góp phần không nhỏ đưa công nghệ thông tin Y tế Đắk Lắk xếp vào top 5 toàn quốc về dữ liệu liên thông thanh toán Bảo hiểm y tế cũng như tăng vọt về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Y tế Đắk Lắk trong năm 2018.

Phóng viên Y tế 24h đã đến Trạm y tế xã Cuôrknia (Buôn Đôn, Đắk Lắk). Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ đầu năm 2018 đã mang lại nhiều thay đổi, nâng cao hoạt động khám chữa bệnh cho người dân.

Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 2.

Người dân không phải chờ đợi lâu khi đến Trạm Y tế xã Cuôrknia để khám chữa bệnh, nhận thuốc...

Bác sĩ Quang Quốc Khải, Trưởng Trạm y tế xã Cuôrknia cho biết: "Thay đổi đầu tiên là từ làm thủ công trong ghi chép, sổ sách sang thao tác, lưu trữ trên máy tính. Việc này đã giúp rút ngắn thời gian tiếp nhận, giảm phiền hà, chờ đợi cho người dân. Đặc biệt, nhờ lưu trữ mã số khám chữa bệnh của bệnh nhân mà các y, bác sĩ biết được thông tin, tiểu sử bệnh của người tới khám để có hướng điều trị tiếp theo hợp lý. Đây cũng là tiền đề để các trạm y tế xã tiến tới quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn như cao huyết áp, ung thư, đái tháo đường...

Sau khi triển khai công nghệ thông tin, các nhân viên y tế tại trạm đã có thể thao tác tốt trong vòng một tuần đầu. Với nguồn nhân lực ít ỏi ở trạm y tế xã, nhờ có máy vi tính, một nhân viên có thể thao tác nhập, kiểm tra thông tin cho nhiều người dân, rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh xuống chỉ còn từ 1 - 2 phút.

Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 3.

Người dân đến khám bệnh vào ngày thứ 7 tại trạm y tế xã.

Là địa bàn có gần 50 dân tộc, việc sử dụng bộ gõ chữ cái theo ngôn ngữ các dân tộc như Ê đê, M'nông, Xu Đăng... cũng là điểm nổi bật được tích hợp vào một phần mềm quản lý khám chữa bệnh là MMS.net, vô cùng thuận lợi cho hoạt động thăm khám, lưu trữ cho người dân ở nhiều xã.

"Tại trạm, đồng bào đến khám khoảng 30 lượt/ngày, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Trước đây, khi ghi chép tên cho người dân chúng tôi thậm chí còn ghi sai, ghi thiếu dẫn đến việc không khớp với bảo hiểm y tế. Việc có một ứng dụng riêng cho việc nhập tên cho người dân tộc thiểu số giúp ích rất nhiều cho các nhân viên y tế trong các thủ tục hành chính" - Bác sĩ Y Nham Niê, Trưởng Trạm y tế Krông Na (Buôn Đôn, Đắk Lắk) chia sẻ.

Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 4.

Nhân viên y tế kiểm tra thông tin người bệnh trên hệ thống.

Thay đổi theo hướng tích cực về hoạt động khám, chữa bệnh đã giúp cho người dân có niềm tin vào các trạm y tế xã. Đơn cử như tại huyện Buôn Đôn, lượt khám chữa bệnh trung bình hiện là 300 người/1 ngày/7 xã. 

Từ sự bứt phá trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã, công tác khám, chữa bệnh và hoạt động của ngành Y tế Đắk Lắk được đồng bộ hóa lên các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh. Tất cả hợp thành một mạng lưới công nghệ thông tin hoàn chỉnh cho ngành Y tế trên một địa bàn cao nguyên rộng lớn.

Người gieo mầm công nghệ thông tin cho y tế buôn làng trên cao nguyên Đắk Lắk - Ảnh 5.

Nhân viên công nghệ thông tin tại phòng điều hành Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Sau bao nỗ lực gieo mầm công nghệ thông tin cho từ buôn làng lên thành phố, ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, đã vinh dự đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ và Giải Sao Khuê cho đề tài nghiên cứu "Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý trạm y tế và chuyển giao ứng dụng ở 184 trạm y tế của tỉnh". Sở Y tế Đắk Lắk được xếp thứ 2 toàn quốc về ứng dụng công nghệ thông tin.

Trở lại câu chuyện với phóng viên, ông Long cho biết: thời gian tới, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi hơn để kết nối xây dựng nên một hệ sinh thái y tế thông minh, tiện dụng cho mọi nhà, mọi người từ nhà quản lý, đến cán bộ y tế, người bệnh và người dân. Đây là hệ sinh thái không lãng phí thời gian, nguồn lực; không sử dụng tiền mặt trong thanh toán; không giấy, không in rửa phim… Và đặc biệt, việc hội chẩn trực tuyến giữa bệnh viện tuyến dưới với bệnh viện tuyến trên sẽ được chú trọng triển khai, mang đến lợi ích cho người bệnh ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục