Massage cho trẻ sơ sinh - nên hay không?

Tuấn Bảo, icon
07:00 ngày 22/03/2019

VTV.vn - Massage giúp trẻ tăng cân nhanh, ngủ sâu hơn, cải thiện tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp, giúp các cơ phát triển tốt và chống nhiễm trùng...

Hình minh họa.

Những lợi ích của việc massage cho trẻ sơ sinh

Phương pháp xoa bóp này giúp trẻ tăng cân nhanh, ngủ sâu hơn, cải thiện tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp, giúp các cơ phát triển tốt và chống nhiễm trùng, đặc biệt là đối với trẻ sinh non. Khi kết hợp với các hoạt động thể chất, massage cũng có thể giúp xương của bé phát triển. Rất nhiều bệnh viện chăm sóc trẻ sơ sinh đã áp dụng liệu pháp này như một phần của dịch vụ chăm sóc.

Massage khiến cho máu dễ dàng lưu thông đến da và cơ bắp của bé. Sự ấm áp từ nhiệt độ cơ thể của mẹ sẽ giúp thư giãn các mạch máu và tăng lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của con.

Các chuyên gia cũng cho rằng: massage làm sản sinh hormone melatonin - hormone giảm đau tự nhiên, tốt cho hệ tiêu hóa. Trẻ sinh thiếu tháng được massage trị liệu thì sẽ có thời gian nằm viện ngắn hơn, tăng cân tốt hơn và bộ não phát triển hơn những trẻ không được massage từ 21% đến 47%.

Cách massage cho trẻ sơ sinh

Massage tốt cho các bé, nhất là đối với những trẻ hay quấy khóc vì sẽ giúp bé được thư giãn. Để cuộc massage được thành công, mẹ đừng cố thực hiện ngay trước hoặc sau bữa ăn của con, hay cả lúc bé đang cần ngủ trưa. Khi mẹ nghĩ bé đã sẵn sàng, hãy đặt con trên mặt phẳng với một chiếc khăn mềm và hộp dầu chuyên dành cho massage. Nếu bé yêu cảm thấy không thoải mái và khóc lên trước khi bài massage kết thúc, mẹ hãy dừng lại và thay vào đó là âu yếm, vuốt ve con.

Theo ThS Trương Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cha mẹ cần lưu ý khi massage cho trẻ:

- Vì hệ xương khớp của trẻ sơ sinh vẫn còn rất non nớt, nên các động tác của mẹ phải nhẹ nhàng. Các mẹ hãy chú ý tháo trang sức, cắt ngắn móng tay, giữ bàn tay ấm, mềm mại để tránh gây xước hoặc tổn thương không cần thiết cho bé.

- Khi bố mẹ massage hãy chú ý các phản ứng của trẻ. Các dấu hiệu như tránh né bàn tay massage của mẹ, nôn, nấc cục… cho thấy bé đang căng thẳng và không thật sự cảm thấy thoải mái. Mẹ hãy giúp bé làm quen dần bằng cách thường xuyên massage cho bé trong khi tắm hoặc trước khi đi ngủ. Các động tác làm quen từ nhẹ đến mạnh dần lên, tránh massage cho con khi bé bị phát ban, sốt, có nhiễm trùng hoặc vết thương trên da.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục