Không tự ý truyền nước khi mắc sốt xuất huyết

Mai Lê, Quang Nhật, icon
06:06 ngày 14/10/2022

VTV.vn - Thực tế có rất nhiều người đã lạm dụng việc truyền nước khi cơ thể mệt mỏi, ốm đau, đặc biệt là các bệnh nhân bị sốt nói chung và sốt xuất huyết nói riêng.

Khi có dấu hiệu chuyển nặng, cần đến cơ sở y tế thăm khám và truyền nước khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những tuần vừa qua, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng và cảnh báo gia tăng nhiều, có thời điểm hơn 150 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại khoa và hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng muộn.

Bác sĩ Lâm cho biết, sốt xuất huyết có 70-75% bệnh nhân mắc ở thể nhẹ, trong nhóm này chủ yếu cần bổ sung nước qua đường uống. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân tự ý đến các cơ sở y tế tư nhân yêu cầu truyền nước và hậu quả là làm cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân xấu đi.

"Đây là điều hết sức nghiêm trọng, nguy hiểm bởi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu truyền dịch không đúng, khi bệnh nhân sốc sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn khiến các bác sĩ rất khó cấp cứu. Do đó, tôi khuyến cáo trong 3 ngày đầu khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân không nên tự ý truyền nước mà chủ yếu nên uống để bù nước" - bác sĩ Lâm khuyến cáo.

Theo bác sĩ Lâm, việc thực hiện truyền dịch sớm cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu khởi phát bệnh là không cần thiết nếu bệnh nhân vẫn còn ăn uống được. Lúc này, chỉ nên khuyến khích bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, tất cả các bệnh nhân và bác sĩ cần đặc biệt lưu ý và có chỉ định truyền nước theo phác đồ, chứ không tự ý, muốn truyền như thế nào là truyền.

Cũng theo bác sĩ Lâm, ngay cả những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi. Tốt nhất, người dân khi bị sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế và các cơ sở y tế tuyến dưới cần làm đúng quy trình, đánh giá kịp thời tình trạng bệnh nhân để chuyển viện điều trị kịp thời cho bệnh nhân, tránh để quá muộn khiến công tác điều trị gặp khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 9/10, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hơn 7.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 9 trường hợp tử vong. Trong đó, có 6.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 113 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Hiện nay đang là tháng cao điểm của sốt xuất huyết, do đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý truyền dịch và điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục