Không chủ quan với bệnh lao xương khớp

Phượng Vũ, Đình Thi (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
05:00 ngày 06/04/2022

VTV.vn - Lao xương khớp là bệnh của hệ thống xương khớp do vi khuẩn lao gây ra, bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất.

Lao xương khớp là tình trạng nhiễm khuẩn của hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra, được coi là bệnh lao thứ phát do vi khuẩn lao từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ xương khớp. Vi khuẩn lao tấn công và thường gây bệnh ở các xương khớp chịu trọng lực lớn như khớp háng, khớp gối và cột sống.

Ông N.T.T. (trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tôi bị đau lưng nhiều năm nay, nghĩ là do lao động nặng nhọc nên bị đau, thế nhưng càng ngày triệu chứng đau nhức âm ỉ liên tục ở các đốt sống, đau nhiều về đêm, đứng lên ngồi xuống khó khăn. Trong một lần đi khám sức khỏe, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh lao xương khớp mà cụ thể là lao cột sống, cần phải lên phác đồ điều trị lâu dài thì bệnh mới nhanh chóng cải thiện".

Theo bác sĩ R’Ma Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk, nguyên nhân gây bệnh lao nói chung và lao xương nói riêng là do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Thông thường, vi khuẩn lao sẽ xâm nhập vào đường hô hấp đến phổi nếu cơ thể không đủ đề kháng để chống lại vi khuẩn lao, vi khuẩn lao có thể theo đường máu hay đường bạch huyết đến xương. Tại đây chúng sinh sản và phát triển hình thành một vùng hoại tử (bên ngoài có các tế bào to, tế bào đơn nhân, biểu mô).

Bệnh lao xương thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh chỉ xuất hiện khi đã tiến triển nặng với các triệu chứng như: đau lưng, đau nhức xương khớp, mệt mỏi, sốt về chiều, da xanh xao, ăn uống kém… với các giai đoạn phát triển bệnh như vậy sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

Đối với bệnh nhân lao xương khớp, nếu chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, như: biến chứng thần kinh (liệt tứ chi hoặc 2 chi dưới); biến dạng xương (xẹp đốt sống, gù nhọn, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh); lao lan rộng (vi khuẩn lao lan đến các cơ quan trong cơ thể như phổi, màng não…); cắt cụt chi (lao xương không được điều trị dẫn đến những tổn thương không thể khắc phục được, buộc phải cắt cụt chi); hạn chế vận động (lao cột sống gặp khó khăn trong việc cúi, ngửa); teo cơ vận động khớp, liệt cơ tròn (áp xe lạnh chèn ép tủy sống)…

Cũng theo bác sĩ R’Ma Lương, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao xương là người từ 20 - 40 tuổi, người có tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay các nguồn lây lao khác, nguy cơ tăng lên khi tiếp xúc thường xuyên, liên tục; có tiền sử lao trước đó; trẻ nhỏ chưa tiêm phòng vaccine BCG và người có các bệnh lý như đái tháo đường, loét dạ dà - tá tràng, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng…

Để phòng ngừa bệnh lao xương khớp hiệu quả, bác sĩ R’Ma Lương khuyến cáo: Mỗi người cần có lối sống khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; hạn chế đến những nơi đông người, thực hiện 5K, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, cà phê… Người tiếp xúc với bệnh nhân lao cần được tầm soát lao phổi bằng các xét nghiệm đờm và chụp X-quang phổi, đặc biệt khi bị bệnh cần tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục