Hà Tĩnh tăng cường phòng, tránh bệnh đau mắt đỏ

Nhật Thắng, icon
09:53 ngày 18/09/2023

VTV.vn - Tại Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đang là địa phương ghi nhận số ca mắc đau mắt đỏ nhiều nhất với khoảng 5.900 ca.

Lập danh sách trẻ bị đau mắt đỏ tại một trường học ở Hà Tĩnh,

Để khống chế dịch bệnh, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ sâu rộng trong nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Trường Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: Trên địa bàn huyện hiện nay còn khoảng 2.000 ca đau mắt đỏ. Để chủ động phòng chống, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê đang triển khai giám sát các trường học, địa phương có nhiều ca mắc để có giải pháp kịp thời khống chế, không để lan rộng. Đồng thời phối hợp với các nhà trường tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức trong giáo viên và học sinh, từ đó có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, dễ lây lan thành dịch. Bệnh khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, với các triệu chứng bao gồm: đỏ mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thời tiết giao mùa là thời điểm dễ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Năm nay, dịch đến khá sớm và trùng vào thời điểm năm học mới bắt đầu, các em học sinh ở các lứa tuổi tiếp xúc nhiều càng làm tăng thêm nguy cơ dịch lây lan.

Hiện tại, không chỉ ở Hương Khê mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận số ca đau mắt đỏ tăng, nhiều nhất là Hương Khê 5.900 ca, Vũ Quang 2.000 ca, Kỳ Anh 2.200 ca. Đây là bệnh lành tính, ít để lại di chứng nhưng lại thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu chủ quan vẫn có thể bị bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh cũng khuyến cáo: Để phòng tránh sự lây lan của bệnh, cần hạn chế việc trẻ dụi tay vào mắt, mũi, miệng; đồng thời cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu phát hiện mắt trẻ chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…; vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Nếu trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở y tế để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời, không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, tránh gây biến chứng nặng nề hơn, rất nguy hiểm cho mắt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục