Cà Mau tăng cường phòng bệnh đau mắt đỏ

Gia Bảo, icon
06:02 ngày 16/09/2023

VTV.vn - Để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và trở thành dịch do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm, chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Biến chứng bệnh đau mắt đỏ gây viêm giác mạc, loét giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa.

Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chú trọng thực hiện tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát, điều tra, phát hiện, xử lý và tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Đối với các bệnh viện công và tư nhân, cần tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn và điều trị bệnh nhân đến khám tại cơ sở theo phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; đồng thời hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân nhằm tránh biến chứng và lây lan bệnh đau mắt đỏ.

Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp giám sát, phòng bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng và phối hợp Phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ. Khuyến cáo người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch.

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát khuẩn đối với các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân.

4. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt.

5. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

6. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục