Đường dây nóng tại bệnh viện: Làm sao để hiệu quả?

Thái Bình, icon
05:08 ngày 28/11/2013

Trên địa bàn TP.HCM, từ gần 10 năm nay, nhiều bệnh viện đã thiết lập đường dây nóng. Nỗ lực của bệnh viện là rất đáng ghi nhận, nhưng việc giải quyết những bức xúc của người dân còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

Bộ Y tế vừa qua đã yêu cầu các bệnh viện thiết lập đường dây nóng, có cán bộ y tế trực 24/24 để kịp thời xử lý những phản ánh của người bệnh về những hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh cũng như trong ứng xử, thái độ của y bác sĩ với bệnh nhân. Tuy nhiên, thực trạng tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã có thấy còn nhiều vấn đề bất cập.

‘ Tại các bệnh viện, hiệu quả của đường dây nóng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh hoa: Hà Nội mới)

Theo số liệu 4 năm gần đây, qua đường dây nóng, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 665 trường hợp phản ánh của người dân. 30% trong số này là các phản ánh về giao tiếp của nhân viên y tế; hơn 30% là quy trình khám chưa tốt, xét nghiệm, không có thuốc; 17% là thủ tục hành chính, thăm nuôi, chuyển viện; 15% liên quan đến an ninh trật tự, khẩu phần ăn, tình trạng vệ sinh…

Bình quân một năm có hơn 150 trường hợp, tức cách một ngày mới có một cuộc gọi phản ánh đường dây nóng tại bệnh viện Chợ Rẫy. Một con số quá nhỏ so với bệnh viện lớn hàng đầu thành phố về số lượng bệnh nhân hàng chục nghìn và cũng có chừng ấy người nhà đến nuôi bệnh. Theo quan sát của phóng viên, tại nhiều khu vực có rất ít bảng dán số đường dây nóng.

Ngoài thiết lập đường dây nóng, nhiều bệnh viện tại TP.HCM còn lập phòng tiếp dân, hộp thư để người nhà, bệnh nhân phản ánh những bức xúc với các bộ phận. Thậm chí những trường hợp quá bức xúc, người dân có thể đến gặp trực tiếp Ban Giám đốc bệnh viện. Quy trình xử lý thông tin, phân công phân nhiệm rõ ràng.

Tuy nhiên, trên thực tế, những bức xúc của người dân vẫn còn nhiều, tình trạng trộm cắp, cò bệnh viện vẫn còn khá phổ biến. Nhiều bệnh viện lý giải do công tác chuyên môn đã quá tải, trong khi đó nhiều vụ việc giải quyết cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Từ đó, những vụ việc tiêu cực xảy ra tại bệnh viện còn chưa được giải quyết.

Để đường dây nóng thực sự nóng theo nhiều chuyên gia trước hết đường dây phải thông. Sau đó phải có quy trình xử lý thông tin chặt chẽ và mang tính cầu thị cao.

Về phía Bộ Y tế, để đường dây nóng hoạt động hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện xử lý nghiêm, thậm chí kỉ luật đối với người tiếp nhận, xử lý thông tin từ người bệnh nhưng không có động thái xử lý, báo cáo vấn đề. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của đường dây nóng. Định kỳ kiểm điểm việc thực hiện đường dây nóng ít nhất 1 lần/tuần.

Cùng chuyên mục