Đồng Nai: Hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thanh Tú, icon
03:33 ngày 31/05/2024

VTV.vn - Nhờ thực hiện tốt Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, những năm gần đây, tình trạng trẻ em sinh ra nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ tại Đồng Nai giảm đáng kể

Tư vấn cho phụ nữ mang thai.

Phụ nữ nhiễm HIV có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm

Tại Đồng Nai, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được ngành Y tế triển khai rất tích cực, mang lại nhiều hiệu quả cao. Những năm gần đây, hầu như 100% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) đều có kết quả âm tính với virus HIV.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, chỉ tính riêng từ quý 1 năm 2024, Đồng Nai đã tiến hành xét nghiệm HIV cho 6.012 phụ nữ mang thai, trong đó có 1 người dương tính HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV là 7 người, số trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV được làm xét nghiệm là 6 trẻ, tất cả các trẻ này đều âm tính với virus HIV.

Trường hợp của chị N.T.O. (31 tuổi) là một ví dụ. Cách đây 3 năm, chị phát hiện nhiễm HIV khi vào bệnh viện khám thai chuẩn bị sinh. Đây là con đầu tiên nên chị O. rất lo lắng đứa con trong bụng bị lây nhiễm HIV từ mình. Được sự tư vấn nhiệt tình và chu đáo của các y, bác sĩ, chị đã dần lấy lại niềm tin và thực hiện tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đến ngày chuyển dạ, để bảo đảm an toàn cho thai nhi, tránh lây nhiễm cho em bé, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy con cho chị. Sau sinh, em bé được bú sữa ngoài hoàn toàn và uống thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV trong vòng 1 tháng. Cho đến thời điểm hiện tại, con chị O. vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV.

BS.CKI Vũ Thị Ngọc - Phó Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết: HIV lây qua 3 đường: Đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới. Nếu không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỷ lệ này có thể dưới 2%, thậm chí thấp hơn, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Tại Đồng Nai, những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.

Hiện nay, phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

BS.CKI Vũ Thị Ngọc cho biết, để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, những năm qua, ngành Y tế Đồng Nai đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ nên đã thu được những kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung.

Đối với công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong thời gian qua, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm. Đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khỏe phát triển bình thường.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 với chủ đề "Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030" được triển khai từ 1/6 đến 30/6, ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào các nội dung như: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...

Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, cụ thể như truyền thông trực tiếp cho các đối tượng học sinh, sinh viên, các công ty, doanh nghiệp, các khu nhà trọ…; tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, phát thanh trên loa đài tại các điểm đông dân cư… nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình HIV từ mẹ sang con và hướng tới mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.

"Ngành Y tế tỉnh khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, đây là quyền lợi mà người dân được thụ hưởng" - bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục