Chú trọng dinh dưỡng và chứng rối loạn dinh dưỡng ở trẻ

CSTN, icon
07:49 ngày 23/08/2013

 Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là yếu tố hết sức cần thiết nhằm tăng cường sức khỏe và đảm bảo sự phát triển bình thường ở trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần chú ý tới chứng rối loạn dinh dưỡng ở trẻ.

Nhằm cung cấp thêm kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chương trình Cuộc sống thường ngày, chuyên mục Sống khỏe, đã mời TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương giải đáp thắc mắc của các bậc phụ huynh.

‘ Cần chú ý theo dõi sự phát triển cân nặng và chiều cao của trẻ so với độ tuổi để có chế độ dinh dưỡng hợp lý. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh: Xin bác sĩ cho biết, trẻ dưới 1 tuổi nên cho cháu ăn bột và ăn sữa như thế nào là hợp lý?

TS Trần Minh Điển: Cần chia trẻ thành nhiều giai đoạn phát triển, giai đoạn sơ sinh là giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ hoặc sữa công thức bên ngoài. Từ 1 – 3 tháng, 1 – 5 tháng cũng như vậy, đều phụ thuộc vào sữa mẹ và sữa công thức. Có những bà mẹ sữa tốt, sữa nhiều hoàn toàn không cần nuôi thêm sữa công thức bên ngoài. Trong những trường hợp bà mẹ không nhiều sữa, thì lại cần bổ sung sữa công thức cho trẻ.

Khi trẻ bắt đầu biết ăn bột, từ 5 tháng – 1 tuổi trở lên, các bậc cha mẹ cũng cần có chế độ thay đổi từ sữa sang bột. Ví dụ, trong giai đoạn đầu chỉ cần 2 bữa bột loãng/ngày, nhưng tới 10 – 11 tháng có thể cho trẻ ăn 3 bữa bột/ngày, sau đó các bữa bột sẽ chuyển dần sang cháo. Cháo bắt đầu dần đặc hơn và các thành phần trong cháo cũng đặc hơn.

Trong giai đoạn đầu, thành phần chỉ cần nước rau, không cần rau vì trẻ chưa tiêu được. Tới tháng thứ 9 – 10, bổ sung các thành phần rau ngót, rau muống… trẻ mới có khả năng tiêu hóa được các chất xơ đó.

Như vậy, tùy theo nhóm tuổi mà các bậc cha mẹ sẽ cung cấp thức ăn cho trẻ, sao cho đảm bảo sự phát triển cân nặng và trí tuệ ở trẻ.

Phụ huynh: Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết của rối loạn dinh dưỡng như thế nào?

TS Trần Minh Điển: Khi quan sát trẻ trong những năm đầu đời, tôi thấy các bà mẹ thường rất quan tâm tới cân nặng của đứa trẻ. Thông thường tất cả trẻ đều phát triển trong những khung nhất định. Khung đó thường gồm rất nhiều bảng đo khác nhau của Tổ chức Y tế thế giới và của Việt Nam. Trong các cuốn sổ y bạ của bệnh viện Nhi Trung ương cũng có những bảng đánh giá về thể chất của trẻ, trong đó có sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ. Các bà mẹ nên so sánh bảng đo để biết được tình trạng dinh dưỡng của trẻ theo từng tháng.

Nếu thấy trẻ so với độ tuổi có chiều cao và cân nặng quá thấp, phải đi khám dinh dưỡng ngay, ngược lại, những trẻ có biểu hiện tăng cân quá nhanh cũng cần phải chú ý. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ở các thành phố lớn các cháu bị béo phì rất nhiều và dễ có khả năng mắc phải những bệnh lý về tiểu đường hay tim mạch. Do đó, vấn đề dinh dưỡng thừa đối với trẻ cũng đòi hỏi các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video tư vấn của TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đối với vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

Cùng chuyên mục