Chế độ ăn khoa học cho bệnh nhân tăng huyết áp

Linh Chi, icon
07:59 ngày 18/05/2019

VTV.vn - Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới bệnh tăng huyết áp, trong đó, chế độ ăn là một nguyên nhân mà người bệnh cần hết sức lưu ý.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của TS.BS. Nguyễn Văn Triệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, điều chỉnh chế độ ăn và giảm cân nặng được gọi là các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Một số biện pháp điều trị không dùng thuốc khác là bỏ thuốc lá, giảm sang chấn tinh thần (stress), bỏ rượu và tập thể dục đều đặn. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc khi thực hiện riêng rẽ đều có hiệu quả hạ huyết áp nhưng tác dụng của chúng sẽ tốt hơn nhiều nếu thực hiện một cách đồng thời.

Nguyên tắc chung: Giảm năng lượng nếu có béo phì, thực đơn có năng lượng dưới 35 kcal/kg/ngày. Người thừa cân, béo phì có thể tính năng lượng theo mức chỉ số khối cơ thể (BMI): nếu BMI từ 25 - 29,9 năng lượng ăn vào là 1.500kcal/ngày, BMI từ 30-34,9 năng lượng đưa vào là 1.200kcal/ngày, BMI từ 35 - 39,9 năng lượng ăn vào là 1.000kcal/ngày, BMI trên 40 thì năng lượng đưa vào là 800kcal/ngày.

Những người bị tăng huyết áp kèm theo béo phì hoặc rối loạn dung nạp đường (tiền đái tháo đường) đều nên giảm lượng calo nạp vào cơ thể bằng cách không nên ăn các loại thực phẩm quá nhiều năng lượng rất dễ béo phì, thừa mỡ trong cơ thể sẽ khiến lượng cholesterol tăng cao, tích tụ trong thành mạch gây nên xơ cứng động mạch. Thể trọng tăng lên cũng khiến huyết áp tăng, thể trọng càng tăng nhiều thì huyết áp càng cao. Vì vậy, cần tiết chế ăn uống, duy trì thể trọng không nên để thừa cân.

Hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol và axit béo no. Người bệnh cần hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối (ví dụ mì tôm, các loại bánh mặn, gà rán và khoai tây chiên).

- Thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, trứng cũng không tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Thay vào đó, nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản vừa để giảm bớt các món thịt mỡ vừa để có thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp.

Thực nghiệm đã cho thấy: đường cũng làm tăng huyết áp. Do vậy, không chỉ người bị đái tháo đường cần hạn chế, người bị tăng huyết áp, người không muốn tăng cân cũng phải biết từ chối hoặc hạn chế tối thiểu ăn đường và các chế phẩm từ đường như bánh, mứt, kẹo....

- Tiếp đến các món ăn mặn với nhiều muối, đây cũng là vấn đề cần được người tăng huyết áp đặc biệt chú ý quan tâm và hạn chế tối thiểu lượng muối tiêu thụ. Muối ăn đã được nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của nó trong tăng huyết áp.

Các nghiên cứu cho thấy rằng: những quốc gia với chế độ ăn nhiều muối có tỷ lệ dân số bị tăng huyết áp nhiều hơn ở những quốc gia với chế độ ăn ít muối hơn. Các nhà khoa học cho rằng: khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây tăng huyết áp; đồng thời lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch “cứng hơn” là một yếu tố thuận lợi cho tăng huyết áp.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo, hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể giúp kiểm soát huyết áp ở người tăng huyết áp: mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 2,3g muối/người trưởng thành sẽ giúp giảm huyết áp 2-8 mmHg. Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết đối với người bị tăng huyết áp có bị suy tim hoặc người già.

Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối dùng gia vị thay thế vị mặn của muối. Người bệnh tăng huyết áp được áp dụng chế độ ăn ít muối thì có khoảng 20 - 60% hạ được huyết áp rõ rệt.

- Hạn chế các thức ăn kích thích: bỏ rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc. Nên sử dụng các thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu: hạt sen, ngó sen…

Đối với nam giới nên uống không quá 2 đơn vị rượu hoặc nữ giới không nên quá 1 đơn vị rượu mỗi ngày. Một đơn vị rượu tương đương 1 cốc vại bia hoặc 1 chén 30ml rượu mạnh.

Người tăng huyết áp nên tăng lượng muối kali trong thức ăn song song với việc uống thuốc hạ huyết áp nhưng không nên uống trực tiếp những thuốc bổ sung kali. Rau củ quả tươi chứa nhiều kali như quýt, chuối, khoai tây, rau bí, quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua... rất tốt cho thành mạch. Tuy nhiên, người bệnh tăng huyết áp kèm theo suy thận, phù thũng, ít nước tiểu thì không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa kali để tránh thừa kali trong máu.

Ngoài ra, thiếu canxi cũng có ảnh hưởng đến tăng huyết áp. Mỗi ngày uống khoảng 250 ml sữa bò hoặc sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt. Các loại rau như rau cải, cần tây, nấm, mộc nhĩ, tảo... cũng có lượng canxi lớn. Người tăng huyết áp nên ăn đồ biển chứa nhiều i-ốt như rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển... để tránh bị xơ cứng động mạch.

Người tăng huyết áp nên ăn nhiều hơn món rau xanh, rau củ và quả chín để cung cấp nhiều chất xơ, kali, magie, vitamin C and vitamin A, E, đây là những chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt tới HA. Một bữa ăn nhiều chất xơ đã cho thấy có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nhiều dạng bệnh tim mạch trong đó có tăng huyết áp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục