CDC cảnh báo cha mẹ cẩn trọng chứng bệnh viêm tủy mềm cấp tính ở trẻ em

Nguyễn Mai, icon
08:00 ngày 11/08/2020

VTV.vn - Cha mẹ và bác sĩ nhi khoa cần cảnh giác trong những tháng tới với tình trạng tê liệt hiếm gặp ảnh hưởng đến trẻ nhỏ - theo CDC Mỹ.

Hiện chưa có vaccine ngừa bệnh viêm tủy mềm cấp tính ở trẻ nhỏ.

Một triệu chứng giống như bệnh bại liệt, được gọi là viêm tủy mềm cấp tính hoặc AFM, có xu hướng lên đến đỉnh điểm mỗi năm và đợt bùng phát cuối cùng là vào năm 2018, sau khi 238 trường hợp được chẩn đoán trên khắp nước Mỹ - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.

Năm nay, có thể sẽ chứng kiến ​​một đợt tăng các ca mắc bệnh nữa nhưng mọi thứ sẽ càng phức tạp do đại dịch COVID-19.

"AFM là bệnh cần lưu ý hàng đầu của CDC khi chúng tôi chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra trong năm nay" - Tiến sĩ Thomas Clark, Phó Giám đốc Khoa Các bệnh do virus của CDC, nói với các phóng viên CNN.

"Chúng tôi lo ngại rằng, giữa đại dịch COVID-19, các trường hợp đó có thể không được công nhận là mắc bệnh viêm tủy mềm cấp tính, hoặc chúng tôi lo ngại rằng cha mẹ có thể lo lắng về việc đưa con mình đến bác sĩ nếu chúng xuất hiện những triệu chứng ban đầu của bệnh như vận động yếu, yếu cơ chân tay. Dịch bệnh đang nguy hiểm nên phụ huynh không cho con nhập viện khám là chuyện có thể hiểu được" - Clark nói thêm.

CDC đã công bố kết quả của một nghiên cứu được thực hiện sau đợt bùng phát cuối cùng vào năm 2018. Căn bệnh đã khiến gần như tất cả trẻ em bị ảnh hưởng phải nhập viện, độ tuổi của bệnh nhi trung bình là 5 tuổi.

Hầu hết các bệnh nhi mắc bệnh viêm tủy mềm cấp tính đều bị sốt, mắc bệnh về đường hô hấp hoặc cả hai trước khi các em cảm thấy yếu cơ. Yếu cơ là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh này

"Ngoài việc suy yếu cơ thể, các triệu chứng phổ biến khi đánh giá lâm sàng là khó đi lại (52%), đau cổ hoặc đau lưng (47%), sốt (35%) và đau chân tay (34%)" - CDC cho biết trong báo cáo.

"Nhìn chung, 98% bệnh nhân phải nhập viện, 54% phải vào phòng chăm sóc đặc biệt và 23% phải đặt ống nội khí quản và thở máy".

CDC cho biết thêm: Enterovirus, đặc biệt là EV-D68, có khả năng là nguyên nhân cho sự gia tăng các trường hợp cứ sau hai năm lại bùng dịch, kể từ năm 2014. AFM là một bệnh cần nhập viện theo dõi nhằm đề phòng tiến triển thành suy hô hấp.

Trẻ nhiễm enterovirus rất phổ biến. Chúng gây ra khoảng 10 triệu đến 15 triệu ca bệnh viêm tủy mềm cấp tính mỗi năm tại Mỹ - theo CDC. Virus phát triển phổ biến nhất vào mùa hè và mùa thu, đó cũng là lúc AFM đạt đỉnh.

Thông thường, enterovirus gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh như sốt, sổ mũi và đau nhức cơ thể nên mọi người thường chủ quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục