Cấp cứu thai phụ có 1 thai trong tử cung và 1 thai ngoài tử cung

Hiền Chúc, icon
12:43 ngày 15/05/2024

VTV.vn - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân đặc biệt khi mang thai tự nhiên có 1 thai trong tử cung (7 tuần) và 1 thai ngoài tử cung.

Phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung cho bệnh nhân.

Bệnh nhân N.N.M. (23 tuổi, trú tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) đã đi khám tại 5 bệnh viện nhưng đều không chẩn đoán được là có 1 thai trong tử cung và 1 thai ngoài tử cung.

Chỉ tới khi thai ngoài tử cung vỡ khiến máu chảy trong ổ bụng, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu, trong quá trình phẫu thuật nội soi để bảo toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi 7 tuần tuổi các bác sĩ mới phát hiện ra trường hợp hi hữu này.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân tại Khoa Phụ, qua siêu âm, bác sĩ nhận thấy có 1 thai trong tử cung (7 tuần), chiều dài phôi 7,1mm, nhịp tim thai 156 lần/phút; đồng thời có 1 khối tăng âm kích thước 51x27mm cạnh trái tử cung; dịch tự do ổ bụng khoang sâu nhất 29mm. 

"Thai phụ nhập viện trong tình trạng chảy máu trong ổ bụng, nghi ngờ do vỡ nang buồng trứng nên cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu. Tuy nhiên thai nhi phát triển trong tử cung được 7 tuần, nếu do vỡ nang hoàng thể thai nghén thì khi phẫu thuật sẽ gây tổn thương nang hoàng thể dẫn tới thiếu hụt nội tiết và gây sảy thai. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho thai nhi trong tử cung, chúng tôi quyết định tiêm thuốc nội tiết Progesteron trước khi mổ để chống sảy thai do giảm nội tiết sau đó mới tiến hành phẫu thuật nội soi" - BSCKII. Lê Công Tước, Giám đốc bệnh viện cho biết.

Trong quá trình tiến hành phẫu thuật nội soi, sau khi hút sạch khoảng 2 lít máu loãng lẫn máu cục trong ổ bụng để tìm tổn thương thì kíp phẫu thuật phát hiện khối thai ngoài tử cung ở bóng vòi tử cung có đường kính 3cm, chiều dài 5cm chuyển màu tím sẫm và đã có điểm vỡ chảy máu. Các bác sĩ cắt khối chửa ngoài tử cung, lấy hết máu cục rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe tồn dư và dính ruột. Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công sau gần 2 giờ đồng hồ. 

Chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị hồng cầu 250ml và 4 đơn vị huyết tương, tiếp tục được điều trị giữ thai bằng thuốc nội tiết và thuốc giảm co tử cung. 

Qua trường hợp trên, BSCKII. Lê Công Tước khuyến cáo: Phụ nữ khi thấy chậm kinh từ 7 - 10 ngày thì cần phải đi siêu âm để xác định xem có thai trong hay ngoài tử cung. Khi có dấu hiệu đau bụng thì trước tiên cần phải đi khám chuyên khoa để xác định có phải nguyên nhân do thai nghén hay không. Khi loại trừ nguyên nhân do thai nghén thì mới nên đi khám các chuyên khoa khác để đảm bảo được điều trị đúng bệnh lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục