Can thiệp lấy huyết khối xoang tĩnh mạch não cho nam bệnh nhân 36 tuổi

Văn Thành, icon
08:00 ngày 04/06/2021

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa can thiệp cấp cứu lấy huyết khối xoang tĩnh mạch cho nam bệnh nhân L.S.T., 36 tuổi, có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh.

Ê-kíp tiến hành can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Cách vào viện 2 ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội liên tục, uống nhiều thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm. Bệnh nhân đi cấp cứu tại một bệnh viện tuyến dưới, nghi ngờ tổn thương mạch máu não. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị.

Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bệnh lý tắc tĩnh mạch não. Phim chụp cộng hưởng từ sọ não nhanh chóng được thực hiện cho phép chẩn đoán tình trạng huyết khối gây tắc hoàn toàn hệ thống các xoang tĩnh mạch nội sọ. Bệnh nhân được điều trị chống đông và can thiệp lấy bỏ huyết khối cấp cứu.

TS.BS Lê Thanh Dũng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa: Điện quan can thiệp, nội thần kinh, hồi sức cấp cứu. Xác định đây là trường hợp tắc tĩnh mạch não cấp tính, mặc dù hiếm gặp nhưng có thể để lại các biến chứng, di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời”.

Sau khoảng gần 2 giờ can thiệp, rất nhiều huyết khối được lấy bỏ. Phim chụp sau can thiệp cho thấy các xoang tĩnh mạch tái thông hoàn toàn, không có tình trạng ứ trệ các tĩnh mạch não. Các cơn đau đầu, sau đó cũng nhanh chóng biến mất, chức năng vận động cảm giác hoàn toàn bình thường.

Can thiệp lấy huyết khối xoang tĩnh mạch não cho nam bệnh nhân 36 tuổi - Ảnh 1.

Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định. Ảnh: BVCC

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức Thần kinh: Huyết khối xoang tĩnh mạch não là bệnh lý rất hiếm gặp, chiếm khoảng dưới 1% trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức nào về dịch tễ học của huyết khối tĩnh mạch não được công bố.

Tại các nước phát triển, số trường hợp tắc tĩnh mạch não do nhiễm khuẩn ngày càng giảm thay vào đó là bệnh lý đông máu và các bệnh hệ thống. Các yếu tố tăng đông di truyền chiếm tỷ lệ khá cao ở người da trắng, chiếm 15 - 30% các bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch não.

Tuy nhiên, tại các nước châu Á, giảm các yếu tố kháng đông tự nhiên di truyền không phải là các yếu tố chủ yếu góp phần gây ra bệnh lý này như các nước phương Tây. Đặc biệt ở nước ta nguyên nhân nhiễm khuẩn vẫn còn chiếm vị trí rất quan trọng.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh lý này rất đa dạng, có thể biểu hiện đơn thuần là các cơn đau, cơn động kinh, nhưng cũng có thể biểu hiện rất nặng, nhanh chóng tới hôn mê. Do đó, bệnh thường bị bỏ sót, hoặc chẩn đoán muộn, làm chậm trễ quá trình điều trị, thậm chí có thể để lại các biến chứng nghiêm trọng.

Trước đây, Heparin không phân đoạn là loại thuốc chống đông được sử dụng chính trong điều trị huyết khối xoang tĩnh mạch với hiệu quả cải thiện rõ rệt trong đa số các trường, tuy nhiên, cần phải theo dõi chỉ số đông máu liên tục và cũng có nhiều trường hợp biến chứng chảy máu.

Hiện nay, với sự ra đời của thuốc Heparin trọng lượng phân tử thấp và các thuốc chống đông đường uống thế hệ mới đã giúp việc theo dõi trở nên đơn giản hơn đồng thời cũng giảm tỷ lệ biến chứng chảy máu. Theo nhiều nghiên cứu, có đến 13% số bệnh nhân có kết cục tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nếu chỉ điều trị nội khoa đơn thuần. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân tiến triển nặng, hoặc có xu hướng không đáp ứng với điều trị nội khoa, các can thiệp hoặc điều trị xâm lấn cần được chỉ định để tránh các biến chứng không đáng có.

Trường hợp của bệnh nhân trên, biểu hiện đau đầu nặng do huyết khối lan tỏa ở hầu hết các hệ thống xoang là những yếu tố đưa đến quyết định can thiệp hút huyết khối cơ học. Sau can thiệp gần như tất cả huyết khối đã được lấy bỏ, bệnh nhân tiến triển lâm sàng tốt và không có biến chứng nào xuất hiện cho phép chúng ta hy vọng về một kết quả khả quan.

Sau khi tình trạng bệnh ổn định, việc duy trì thuốc chống đông cũng như tìm kiếm nguyên nhân gây huyết khối là rất quan trọng để tránh sự tái phát sau này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục