Bộ Y tế kêu gọi hành động để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030

P.V, icon
09:29 ngày 01/12/2018

VTV.vn - Đó là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 được tổ chức sáng nay tại TP.HCM.

Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Tại Việt Nam, HIV/AIDS được phát hiện cách đây 25 năm với 250.000 nhiễm và hơn 90.000 người tử vong. Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí. Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV.

Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; hay triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Việt Nam là một số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV cũng như sự bền vững của chương trình. Hơn 131.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV; hơn 54.000 người đang được điều trị bằng Methadone; mỗi năm xét nghiệm HIV cho khoảng 2 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm mỗi năm.

Bộ Y tế kêu gọi hành động để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 - Ảnh 1.

Đẩy lùi HIV/AIDS cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Với chủ đề của Tháng hành động năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi các đồng chí Lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân một số việc:

Một là mọi người cần Hành động để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; Hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV. Hành động để tất cả người chẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả. Hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.

Hai là đề nghị Lãnh đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, không lơ là chủ quan; Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ bằng nguồn ngân sách trung ương mà các địa phương phải xem xét cân đối để đầu tư thỏa đáng.

Ba là ngành y tế cần tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine, tư vấn xét nghiệm HIV; mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV cũng như dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm tải lượng vi rút vì không chỉ là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mà cũng là một trong các biện pháp để đo lường mục tiêu 90-90-90. Huy động các tổ chức cộng đồng cùng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Bốn là mong muốn các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ Việt Nam bằng cả nguồn tài chính và kỹ thuật. Việc này không chỉ giúp cho Việt Nam đạt được các mục tiêu đã cam kết mà nó còn có ý nghĩa đóng góp cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu.

Năm là mỗi người dân, nhất là những người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS vì các mục tiêu 90-90-90 có đạt được hay không đang nằm trong tay các bạn và cũng vì các bạn.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm phát động từ ngày 10/11-10/12. Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 là "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!" bởi vì thời điểm này là thời điểm phải hành động, chúng ta chỉ còn thời gian rất ngắn là 2 năm phấn đấu để đạt mục tiêu 90-90-90 nếu chúng ta muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục