Bé 8 tuổi môi tím, máu chuyển màu nâu do ngộ độc MetHemoglobin nặng

Tuấn Bảo, icon
01:21 ngày 23/04/2021

VTV.vn - Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi ở Cần Thơ được chuyển đến với chẩn đoán rối loạn nhịp tim, theo dõi ngộ độc MetHemoglobin.

Bệnh nhi bị ngộ độc MetHemoglobin. Ảnh: BVCC

Cách nhập viện 1 tuần, bệnh nhi có đi khám da liễu được bác sĩ cho uống thuốc và thoa thuốc không rõ loại trong 1 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhi vẫn khỏe mạnh.

Chiều ngày 19/4, bệnh nhi than mệt, mẹ thấy bé bị tím môi và các đầu ngón tay và chân. Người nhà mang bệnh nhi vào Bệnh viện Long Mỹ, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng môi xanh tái, độ bão hòa oxy máu SpO2 thấp 78-85%, đầu chi tím tái.

Xét nghiệm cho thấy toan máu, tăng lactate, rối loạn nhịp tim. Test nhanh thấy máu màu nâu, không đỏ lại khi tiếp xúc không khí nghi ngờ bị ngộ độc MetHemoglobin.

Do tình trạng bệnh nhi nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để cấp cứu.

Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng lừ đừ, than mệt, môi tím, độ bão hòa oxy máu SpO2 thấp, tím các đầu chi kèm rối loạn nhịp tim dạng block nhánh phải.

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành thực hiện test nhanh chẩn đoán MetHemoglobin: dùng ống tiêm 10ml rút 1 ml máu bệnh nhi và hút thêm 9 ml không khí, lắc nhẹ nhiều lần cho hồng cầu tiếp xúc oxy trong không khí. Máu của bệnh nhi vẫn giữ màu nâu, không đỏ lại chứng tỏ test Methemoglobin dương tính.

Sau đó, bác sĩ nhỏ 1 giọt máu của bệnh nhi lên giấy thấm để so với bảng màu chuẩn ước lượng tỷ lệ MetHemoglobin máu. Đây là một kỹ thuật học thích hợp để chẩn đoán nhanh ngộ độc MetHemoglobin khi không có máy xét nghiệm đặc hiệu Co-oximetry định lượng nồng độ MetHb trong máu. Ngoài ra, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm nhanh Co-oximetry xác định chẩn đoán ngộ độc MetHemoglobin.

Rất may mắn cho bệnh nhi khi bệnh viện còn 1 ống thuốc giải độc Methylen Blue. Ngay lập tức bệnh nhi đã được tiêm thuốc giải độc. Sau khi tiêm thuốc vài phút, môi bệnh nhi đã hồng hào trở lại, các đầu chi hết tím, nhịp tim bình thường, độ bão hòa oxy trong máu tăng lên rõ rệt. Định lượng nồng độ MetHb trong máu sau khi tiêm thuốc giải độc chỉ còn 0,9% (bình thường 0 - 3%).

Theo các bác sĩ, ngộ độc MetHemoglobin thường do uống, tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây MetHemoglobin thường gặp như Nitrites (có trong củ dền, nước giếng…), thuốc súng Chlorates, thuốc chữa bệnh (Dapsone, Quinones, Sulfonamides), thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin.

Triệu chứng thường gặp của ngộ độc MetHemoglobin là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân mới xuất hiện gần đây, trong trường hợp nặng sẽ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp. Test nhanh chẩn đoán và ước lượng nồng độ MetHemoglobinđóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán ngộ độc MetHemoglobin.

Điều trị giải độc bằng Methylen Blue rất có hiệu quả, tuy nhiên, thuốc Methylen Blue rất hiếm, hầu như không có tại các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc MetHemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc MetHemoglobin nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục