1.300 học sinh dân tộc của tỉnh Hà Giang được xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh

Thảo Nguyên, icon
07:46 ngày 13/11/2023

VTV.vn - Đây là nội dung nằm trong chuỗi các hoạt động phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 tại tỉnh Hà Giang.

Từ ngày 7/11 đến 10/11/2023, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục – Đào tạo và các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh.

Chỉ trong 4 ngày, các hoạt động tập huấn, đào tạo về chẩn đoán điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh đã được diễn ra tại Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê; tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên diễn ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

1.300 học sinh dân tộc của tỉnh Hà Giang được xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh - Ảnh 1.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành truyền thông, tư vấn kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên và học sinh các trường: Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê. Tổng số đã có gần 1.300 học sinh các dân tộc trên địa bàn tỉnh được xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh trong đợt này.

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đến hơn 87% dân số là người dân tộc thiểu số, việc đưa các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới các trường Dân tộc nội trú là một trong những kênh truyền thông rất hiệu quả tại tỉnh Hà Giang.

Hầu hết các em lần đầu được lấy máu xét nghiệm nên đều có chút lo lắng, nhưng được các thầy cô giáo và nhân viên y tế động viên, giải thích, các em đều háo hức và sẵn sàng tham gia xét nghiệm.

1.300 học sinh dân tộc của tỉnh Hà Giang được xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh - Ảnh 2.

Lần đầu lấy máu nên em Min Thị Mây (dân tộc Cờ Lao - dân tộc ít người nhất của tỉnh Hà Giang) hơi sợ nhưng em rất sẵn sàng vì "phải lấy máu xét nghiệm để biết mình có bị bệnh không, bệnh có ảnh hưởng đến thế hệ sau mà". Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân số dân tộc Cờ Lao là 4.003 người, chỉ cư trú tại tỉnh Hà Giang. Riêng ở huyện Hoàng Su Phì của em Min Thị Mây, chỉ có xã Túng Sán nơi em gia đình em sinh sống có khoảng 400 người dân Cờ Lao.

Thalassemia là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gen và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh thalassemia phải định kỳ truyền máu (khối hồng cầu), thải sắt và điều trị biến chứng tại các bệnh viện. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương năm 2017, người mang gen bệnh có mặt ở tất cả các dân tộc, ở tất cả các tỉnh/thành phố, ước tính trên 14 triệu người mang gen bệnh. Có nhiều dân tộc tỷ lệ mang gen thalassemia lên tới 30-40%.

Riêng tại tỉnh Hà Giang - tỉnh có 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ mang gen ở một số dân tộc khá cao như: dân tộc Tày (23,2%), dân tộc Dao (15%), dân tộc Nùng (10%), dân tộc Giáy (2%), dân tộc La Chí (1,8%).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục