Theo thống kê, năm 2015, lực lượng chức năng trong cả nước đã tiến hành bắt giữ gần 205.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả. Con số này đã tăng gần 6,5% so với năm 2014. Khởi tổ hình sự 1.500 vụ với 1.800 đối tượng. Mặc dù đã đấu tranh quyết liệt nhưng tình hình buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp.
Thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, hàng lậu và hàng cấm hiện được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm cấu kết từ các tỉnh biên giới phía Bắc. Hóa đơn của các mặt hàng như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá, rượu ngoại, thuốc tân dược, vải, quần áo... thường được quay vòng để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng cũng chia nhỏ hàng và vận chuyển thành nhiều đợt để tránh việc kiểm tra và lợi dụng thủ tục hải quan thông thoáng để gian lận thương mại trong việc kê khai số lượng, chủng loại và mã hàng.
Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm hoạt động của tội phạm buôn lậu, buôn bán tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Do nhu cầu tiêu dùng trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tăng cao nên các đối tượng buôn lậu ở cả 3 miền đã bất chấp mọi thủ đoạn để tuồn hàng từ từ nước ngoài vào nội địa, thậm chí còn lợi dụng thủ đoạn tạm nhập tái xuất và chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để buôn lậu hàng Việt ngay tại các khu kinh tế thương mại.
Theo đó, để ngăn chặn hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, ở thời điểm này, các lực lượng chức năng đã tăng cường tối đa về cả lực lượng thi hành công vụ và các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này không dễ dàng. Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Văn Cẩn – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục hải quan; Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia chia sẻ trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này.
“Cũng như mọi năm, dịp giáp Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu hàng cấm gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn, trong đó có pháo nổ cũng gia tăng. Các mặt hàng tiêu dùng Tết cho người dân như bánh kẹo, rượu bia, hoa quả... đều có thể nhập lậu, giả chất lượng, giả nhãn hiệu không có kiểm định chất lượng đưa vào nội địa để trà trộn với hàng chất lượng của các thương hiệu nổi tiếng và hàng Việt Nam chất lượng cao, để lừa người tiêu dùng và thu lời bất chính”, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cẩn – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục hải quan; Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia
"Trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 41, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cũng như chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương" - ông Nguyễn Văn Cẩn phân tích thêm - "Chẳng hạn như tại cửa khẩu biên giới, vùng cảng biển cũng như hàng không, đường bộ thì lực lượng hải quan phải chịu trách nhiệm làm đúng quy định, ngoài khu vực đó biên phòng chịu trách nhiệm. Khu vực trên biển do cảnh sát biển chịu trách nhiệm. Khu vực nội địa do công an các cấp chịu trách nhiệm. Nếu để lọt hàng lậu bày bán tràn lan thì quản lý thị trường và công an chịu trách nhiệm dưới sự giám sát của chính quyền và nhân dân các cấp. Chúng tôi có đường dây nóng. Nếu phát hiện có hành vi tiếp tay, làm ngơ thì cán bộ sẽ bị chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển, thậm chí điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã đưa ra những chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng trong hoạt động ngăn chặn, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả, cương quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay, bao che, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả. Điều đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ với công tác này.
Trong thời điểm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại đang tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho rằng người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua bán hàng hóa trên thị trường, không mua bán hay tiếp tay cho các đối tượng làm giả hàng kém chất lượng. Mặt khác, cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan truyền thông cũng phải tiến hành phổ biến kiến thức cũng như những quy định của pháp luật liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng để người tiêu dùng có thể nhận biết. Đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định cáclực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh, bắt giữ theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Cơ quan liên ngành cùng cơ quan hải quan kiểm tra ngay tại biên giới, đạt tiêu chuẩn mới cho vào, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát trong nội địa từ khâu nuôi trồng, giết mổ cho tới đưa vào siêu thị", ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Để tìm hiểu thêm vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!