Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng: Cần giải pháp tránh tái diễn những sự việc đau lòng

Nguyễn Bắc-Chủ nhật, ngày 08/09/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tại các cơ sở chăm sóc trẻ em trên toàn quốc.

Những ngày gần đây, sau khi vụ này việc được đưa ra ánh sáng, dư luận đã không khỏi phẫn nộ đối với những hành vi thô bạo, vô nhân tính của những bảo mẫu ở cơ sở này. Dưới danh nghĩa là mái ấm tình thương nhưng nơi đây dường như không có tình yêu thương nào cả. Những em bé tội nghiệp đã trở thành nạn nhân của tội ác và là công cụ của lòng tham khi người ta dùng chính các em để trục lợi… Qua đây, lại thêm một lần nữa gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực trẻ em và công tác quản lý đối với vấn đề này.

"Không chỉ là bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở trong một cơ sở có trách nhiệm được cấp phép về hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mà còn có những hành vi trục lợi, lợi dụng sự từ thiện, sự quyên góp và ủng hộ của xã hội để mà mưu cầu những cái lợi ích vật chất khác. Đây là một hành vi rất đáng lên án và tôi cho rằng rất đáng tiếc khi những vụ việc như thế này vẫn tiếp tục lặp lại và cho chúng ta thấy những lỗ hổng và những giải pháp chúng ta cần phải lập tức thực hiện cả về trước mắt cũng như lâu dài để làm sao giảm thiểu đến mức tối đa những vụ việc như thế này không tái diễn trong tương lai", ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng: Cần giải pháp tránh tái diễn những sự việc đau lòng - Ảnh 1.

Theo ông Nam, cơ quan chức năng đã can thiệp kịp thời nhưng ở góc độ phòng ngừa sớm và phát hiện đặt ra rất nhiều vấn đề. Có những câu chuyện thuộc về phân bổ nguồn lực bao gồm ngân sách và nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em. Có những câu chuyện thuộc về công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra để mà phát hiện sớm. Cần rà soát việc thực hiện đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật đối với hoạt động của một cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hay nói cách khác là một cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội. Thứ ba, cần phải có hệ thống giám sát kịp thời, có hệ thống dữ liệu kịp thời để làm sao các cơ quan chức năng có thể vào cuộc một cách kịp thời. Cuối cùng, đó là câu chuyện về truyền thông giáo dục, về ý thức của người dân khi mà phát hiện nghi ngờ những hành vi mà trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần lập tức chuyển thông tin đến cho các cơ quan chức năng.

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng: Cần giải pháp tránh tái diễn những sự việc đau lòng - Ảnh 2.

"Sau vụ việc xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng rất đau lòng. Phải nói rằng ai trong tất cả chúng ta đều không mong muốn. Về phía trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương, Ủy ban nhân dân quận 12 cũng đã chỉ đạo cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của quận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát và cụ thể cũng đã kiểm tra hai lần vào tháng 11/2023 và tháng 4/2024. Về phía Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của quận cũng đã thực hiện cái công tác giám sát vào tháng 7/2024. Đồng thời Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, nơi cơ sở trú đóng cũng đã thực hiện công tác giám sát thường xuyên. Qua các lần kiểm tra, giám sát cũng đều ghi nhận cơ sở Mái ấm Hoa Hồng chỉ nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung được cấp phép. Qua sự việc trên cho thấy rằng cơ sở cũng đã tìm cách đối phó với các cơ quan chức năng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng lấy làm kinh nghiệm để có những giải pháp hiệu quả hơn, để chúng ta tránh tái diễn những sự việc đau lòng xảy ra như trên", bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết.

Vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng: Cần giải pháp tránh tái diễn những sự việc đau lòng - Ảnh 3.

Theo bà Tới, ngay sau khi sự việc xảy ra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận được cũng đã triển khai ngay các biện pháp. Thứ nhất, cơ quan chức năng đã phối hợp với địa phương để phân loại, tổng hợp danh sách trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển ngay 84 trẻ về các Trung tâm bảo trợ do Sở quản lý và cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Cụ thể, Trung tâm bảo trợ trẻ em Tâm Bình, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp và Làng thiếu niên Thủ Đức. Đồng thời chỉ đạo cho các trung tâm phải chuẩn bị ngay cơ sở vật chất, các phương tiện, nhân lực, nguồn lực và chăm sóc dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Hiện nay, 84 trẻ tại các trung tâm cũng đã có sức khỏe, tâm lý ổn định, tinh thần vui tươi và giao tiếp tốt với các nhân viên của trung tâm. 

Về phía cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, quận cũng đã chỉ đạo ban hành ra quyết định. Hai quyết định vào ngày 4/9 là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội và quyết định thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở trợ giúp Mái ấm Hoa Hồng. Về xử lý trách nhiệm cá nhân, Ủy ban quận cũng đã chỉ đạo cho công an quận đưa chủ cơ sở Mái ấm và các bảo mẫu, nhân viên có liên quan về trụ sở để tạm giữ, củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, quận cũng đã chỉ đạo cho Phòng Nội vụ để tham mưu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan theo đúng các quy định của pháp luật. Đối với hai trẻ, có một trẻ là con của bảo mẫu, bảo mẫu đã nhận về nuôi. Một trẻ hiện đang được chăm sóc, chữa trị tại Bệnh viện Nhi Đồng II. Địa phương đã cử cán bộ để túc trực, thường xuyên phối hợp với lực lượng y, bác sĩ để chăm sóc, chữa trị cho bé.

"Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Cụ thể, có sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và của Cục trẻ em. Về phía Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo cho Sở và Sở cũng đã có sự chủ động trong công tác tham mưu của mình. Cụ thể, ban hành đầy đủ các quy trình can thiệp, hỗ trợ và có tổ chức tập huấn để cho lực lượng làm công tác trẻ em có cập nhật thường xuyên những kiến thức về pháp luật cũng như lnhững kỹ năng cần thiết trong quá trình thực hiện công tác quản lý trẻ em trên địa bàn. Về phía quận cũng đã có hai lần kiểm tra và một lần giám sát. Việc thực hiện giám sát thường xuyên, Ủy ban nhân dân phường đã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhưng rõ ràng qua công tác kiểm tra, các lần kiểm tra, giám sát chúng tôi cũng chưa phát hiện những hành vi vi phạm của cơ sở. Cho thấy rằng các cơ sở cũng đã có sự đối phó đối với các cơ quan chức năng. Về trách nhiệm trong công tác quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân quận đã giao cho phòng chức năng để làm rõ, xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan để làm sao xử lý nghiêm và tránh tái phạm trong thời gian tới", bà Tới cho biết thêm.

Cũng theo bà Tới, số liệu thống kê từ Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố của Sở, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã ghi nhận trên địa bàn năm 2023 xảy ra 10 vụ việc bạo hành trẻ em và trong 9 tháng đầu năm xảy ra 5 vụ việc. Trong thời gian vừa qua, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2017 ngày 8/6/2020 về quy trình hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 17/4/2020 đã ban hành hướng dẫn số 10.704 về thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tại cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, khó lường. Về phương thức và thủ đoạn tinh vi, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng và gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng, cụ thể như sự việc vừa qua. Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp quận, huyện, phường xã, thị trấn cũng có sự thay đổi thường xuyên và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên đôi khi có sự quá tải trong công việc. Từ đó, dẫn đến công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin, số liệu, dữ liệu về trẻ em cũng có phần hạn chế và có sự lúng túng trong quá trình can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Cũng theo ông Nam, công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt đối với các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cần phải làm thường xuyên và toàn diện hơn nữa. Có thể những nội dung được thanh tra, kiểm tra chỉ xoay quanh những vấn đề quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động. Ví dụ: điều kiện môi trường, cơ sở vật chất, thậm chí là thanh tra, kiểm tra về con người, số lượng rồi là năng lực, phẩm chất của con người, như vậy vẫn chưa đủ. Vụ việc xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng và một số cơ sở khác. Phải thanh tra, kiểm tra việc thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách về hoạt động, về chăm sóc, nuôi dưỡng và về kế hoạch hỗ trợ, can thiệp, chăm sóc đối với từng trẻ. Phải chăng chúng ta chưa đụng đến những quy định về việc các cơ sở chăm sóc trẻ em thường xuyên phải lập danh sách trẻ, xác định rõ nguồn gốc trẻ và thực hiện phối hợp để chuyển đổi trẻ về môi trường chăm sóc tốt nhất. Mà môi trường sản xuất, chăm sóc tốt nhất là tại gia đình và tại cộng đồng và chăm sóc thay thế bằng gia đình, cộng đồng, hạn chế đến mức tối đa cái việc chăm sóc tập trung. 

Thứ hai, Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định về quy trình xử lý trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Cần phải thống nhất và giao trách nhiệm cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ở cấp quận cũng như tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đều phải thực hiện báo cáo thường xuyên về tình trạng của từng trẻ. Cơ chế chuyển tuyến chuyển đổi giữa các cơ sở bảo trợ xã hội, giữa các cơ sở chăm sóc trẻ em với nhau. Khi vụ việc xảy ra chúng tôi thấy Thành phố hình Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng chuyển tuyến. Nhưng rất tiếc chúng ta không điều phối, không làm việc thường xuyên. 

Hiện nay, một khoảng trống lỗ hổng lớn nhất là khoảng trống lỗ hổng về nhân lực. Luật trẻ em có quy định cần phải có người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Tuy nhiên, ở hầu hết địa phương, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em ở cấp xã được giao cho công chức Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc bố trí như vậy không sai luật nhưng không khả thi. Bởi công chức Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực hiện 10 lĩnh vực khác nhau của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi vụ việc xảy ra, riêng công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, công chức này không có đủ năng lực và không có đủ thời gian để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Việc thực hiện các quy định mới ở một số nơi, người làm công tác bảo vệ trẻ em không chỉ là công chức Lao động - Thương binh và Xã hội không chỉ là Lao động - Thương binh và Xã hội mà tôi được biết sắp tới giao luôn là Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn hóa xã hội. Như vậy, việc quá tải này không tính đến hiệu lực, hiệu quả việc phân bổ nguồn nhân lực sẽ dẫn đến những khoảng trống. Bởi có thể có thanh tra, có thể có cán bộ quản lý nhà nước ở cấp thành phố và cấp quận, huyện. 

Tuy nhiên, không thể nào giám sát được tất cả những trường hợp trẻ em được chăm sóc. Nếu không có người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, không có nhân viên công tác xã hội chắc chắn sắp tới phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa các quy định của pháp luật và chính sách của pháp luật về bố trí nhân viên công tác xã hội. Cần phải có đội ngũ công nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, cần phải có đội ngũ nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp để làm công tác bảo vệ trẻ em và nhân viên công tác xã hội đó có thể đến từ các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ ở cấp xã, phường. Họ hoàn toàn có thể tham gia vào việc giám sát từng trường hợp trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng như thế nào. 

Đặc biệt, tại các cơ sở chăm sóc tập trung, cần phải ưu tiên nguồn nhân lực ở cấp xã. Hiện nay, báo động về nguồn nhân lực là công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở. Trong khi đó, luật pháp và chính sách quy định rất nhiều trách nhiệm cho họ, cho người làm công tác bảo vệ trẻ em, cho nhân viên công tác xã hội cả về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như là phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu như không làm tốt việc phân bổ hợp lý nguồn nhân lực này, rất khó để phòng ngừa và xử lý kịp thời những trường hợp trẻ em bị bạo lực bị xâm hại.

Các quy định và các chế tài pháp luật xử lý những hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung và bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, thực hiện quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại phổ biến ở xử lý hình sự. Tức là khi vụ việc đến mức nghiêm trọng, đặc biệt là xâm hại tình dục hay bạo lực trẻ em đến mức nghiêm trọng, chúng ta xử lý hình sự. Theo ghi nhận, hiện có rất ít trường hợp thực hiện về xử lý vi phạm hành chính, tính cảnh báo, giáo dục, răn đe của pháp luật chưa đủ mạnh. Do đó, khuyến nghị các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan công an và các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính, cần phải tăng cường xử lý vi phạm hành chính cả về hình sự cũng như xử lý về vi phạm hành chính đối với tất cả các trường hợp vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em. Như vậy, pháp luật mới có đủ sức răn đe và giáo dục", ông Nam khẳng định.

Ông Nam khẳng định, Luật trẻ em, Nghị định 56 của Chính phủ năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp đặc biệt về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật này quy định rất rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp xã và người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Trong số công chức hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở tại cấp xã, có một vấn đề là việc thực thi này chưa được đầy đủ, chưa được kịp thời. Bởi lẽ, chính quyền địa phương chưa thực sự phân bổ đầy đủ nguồn lực cả về ngân sách để trì và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. 

Về phân bổ nhân lực, một số địa phương cũng đã bước đầu có sáng kiến và làm tốt việc này. Hội đồng nhân dân đã ra nghị quyết để bố trí vị trí việc làm về bảo vệ trẻ em trong số công chức hoặc người hoạt động không chức trách ở cấp xã. Tuy nhiên, mô hình này chưa thực sự được nhân rộng và chúng ta đang đứng trước nguy cơ tiếp tục giảm biên chế, giảm người hoạt động không chuyên trách, giảm công sức làm nhiệm vụ về bảo vệ trẻ em. Ví dụ: một số địa phương trước đây có người hoạt động không chuyên trách làm công tác trẻ em, giảm nghèo hoặc làm công tác trẻ em, dân số, gia đình. 

Tuy nhiên, hiện nay theo xu thế tinh giảm bộ máy, tất cả những vị trí này trong tương lai gần sẽ tiếp tục bị xóa bỏ, cảnh báo tình trạng quy định của pháp luật về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý những hành vi xâm hại trẻ em ở tại cấp địa phương, cơ sở cấp gần gần nhất là cấp xã, phường sẽ khó mà thực hiện một cách đầy đủ.

"Chúng tôi muốn nhắc lại một số giải pháp. Một là giải pháp về thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, đối với bảo vệ trẻ em, đặc biệt trẻ em chăm sóc tập trung cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Cho dù là công lập hay ngoài công lập, chúng ta cần phải có hệ thống giám sát thường xuyên hơn, đó là giám sát thuộc ở cấp cơ sở thuộc về các tổ chức chính trị xã hội. Thứ hai, giám sát của đội ngũ nhân viên công tác xã hội. Sắp tới theo Nghị định 110 của Chính phủ sẽ tiếp tục củng cố và phát triển và giám sát. Thứ ba, chúng ta cần phải có hệ thống giám sát bằng công nghệ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất để bổ sung trong các quy định về quy trình, tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt buộc phải có hệ thống camera và hệ thống chia sẻ dữ liệu đến các cơ quan có thẩm quyền, đến những người có trách nhiệm để giám sát thường xuyên. Mặt khác, chúng tôi kêu gọi tất cả người dân, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt người đang làm công tác từ thiện, hỗ trợ cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là ngoài công lập. 

Rõ ràng, trong vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng, chúng ta đã manh nha phát hiện nghi ngờ từ phía người đến hỗ trợ đóng góp cho cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Nhưng các thông tin đó không được chuyển kịp thời đến các cơ quan chức năng. Vụ việc không chỉ là bạo lực đối với trẻ mà còn là lợi dụng lòng tốt, mua bán trái với pháp luật. Hành vi không minh bạch, không công khai trong việc sử dụng các nguồn hỗ trợ, không được kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng. Do đó, chúng tôi kêu gọi sự giám sát từ phía người dân và chúng ta không đặt niềm tin, lòng từ thiện một cách vô căn cứ. Chúng ta có quyền yêu cầu kiểm tra, công khai tất cả nguồn tài chính, nguồn hàng hỗ trợ để tránh tình trạng như ở Mái ấm Hoa Hồng, như ở Tịnh thất Bồng Lai. Chúng tôi kêu gọi trách nhiệm giám sát từ phía những cơ quan, tổ chức ủng hộ cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở này", ông Nam bày tỏ.

Theo thống kê của Tổng đài bảo vệ trẻ em, đơn vị này mỗi năm tiếp nhận bình quân từ 300 đến 400.000 cuộc gọi thông báo về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Không ít vụ việc cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội, của chính những người đáng lẽ là có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ các em. Hậu quả của những vụ việc, hành vi thô bạo ấy chính là các em bị đau đớn về thể chất và những tổn thương về tinh thần. Những hành vi tàn nhẫn ấy khi được phát hiện cần phải xử lý nghiêm minh bởi trẻ em, nhất là trẻ nhỏ thì không có khả năng để tự vệ hoặc là khả năng tự vệ rất hạn chế. Do vậy, ngoài quy định của pháp luật cần có cơ chế giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương cũng như các tổ chức nhận nuôi trẻ em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước