Xuất khẩu rau quả 9 tháng bằng cả năm 2023

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/09/2024 12:12 GMT+7

VTV.vn - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi vượt mốc 5,6 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả vượt mốc 5,6 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi vượt mốc 5,6 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng kim ngạch của cả năm 2023. Đây là số liệu do Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố. Sớm nhận diện cơ hội và mạnh dạn đổi mới cách làm theo hướng liên kết, chất lượng và chuyên sâu đã giúp nâng tầm giá trị cho ngành hàng tỷ đô này.

Hơn 3.600 tấn là sản lượng xoài và thanh long mà doanh nghiệp sẽ thu mua trong 3 tháng tới. Nhờ có mã số vùng trồng, nguồn nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng cao, nên đơn vị đã ký được nhiều hợp đồng mới.

Ông Đinh Quang Long - Giám đốc Sản xuất Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết: "Trung bình hàng ngày, công ty nhập khoảng 40-50 tấn nguyên liệu, tập trung cho các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand".

Đây là sản phẩm xoài đang chuẩn bị xuất khẩu đi Hàn Quốc. Không chỉ đáp ứng hơn 100 chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm xoài còn phải có kích cỡ và màu sắc bắt mắt.

Theo các chuyên gia đầu ngành, xuất khẩu rau quả nhiều khả năng sớm vượt mốc 6 tỷ USD. Và con số này sẽ còn cao hơn, nếu các nhà máy gia tăng xuất khẩu nhiều sản phẩm chế biến sâu thay cho mặt hàng thô lâu nay.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Hiện nay, cả nước có khoảng 150 nhà máy chế biến, cơ bản có thể đủ điều kiện để xuất khẩu, chiếm khoảng 8-10%, thực sự còn khá thấp so với tiềm năng của thị trường đang cần".

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ: "Vừa qua, chúng tôi đã có hai lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Và sắp tới đây tiếp tục sẽ mở rộng hơn nữa và mời gọi các doanh nghiệp để tham gia việc kết nối, liên kết sản xuất, trong đó quan tâm hơn nhiều vấn đề chế biến sâu".

Việc quy hoạch sản xuất tập trung, tăng cường khuyến nông giúp nhà vườn sản xuất sạch, tiết kiệm chi phí, cũng như chứng minh lợi ích cho các bên tham chuỗi liên kết là những giải pháp căn cơ để ngành hàng tỷ đô này phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng bằng cả năm 2023 - Ảnh 1.

Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc

Thúc đẩy liên kết trong ngành cây ăn trái

Nhằm đánh giá thực trạng sản xuất và định hướng phát triển bền vững ngành rau quả, tại tỉnh An Giang vừa diễn ra Hội nghị chuyên đề thu hút hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như tổ hợp tác cây ăn trái tham gia.

Cục Bảo vệ thực vật cùng các hiệp hội đã chia sẻ các cơ hội, thách thức và khuyến khích không nên ồ ạt mở rộng các diện tích trồng cây ăn trái quá nóng như sầu riêng. Nên sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu. Các doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón đã trực tiếp tư vấn các giải pháp dinh dưỡng, quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho bà con nhà vườn.

Tại Hội nghị, nhiều bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp và HTX cũng đã được ký kết nhằm tiêu thụ hiệu quả, bền vững 350.000 tấn trái cây ở tỉnh An Giang và tiếp tục nhân rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao giá trị rau quả xuất khẩu

Rau quả Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối và xoài của Việt Nam. Tại Mỹ, nông sản Việt cũng có sự thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường này trong 9 tháng vừa qua. Và để ngành rau quả tăng trưởng bền vững, còn rất nhiều vấn đề phải bàn đến.

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Rau quả Thực phẩm An Giang cho biết: "Qua mô hình liên kết, hiện tại chỉ đang đáp ứng khoảng 30-40%. Trong thời gian sắp tới, công ty rất mong có một nguồn nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng. Thị trường của chúng ta càng ngày đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe".

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định: "Phối hợp với các địa phương để chúng ta cùng nhau tập huấn, huấn luyện để bà con nông dân các vùng trồng áp dụng các quy trình, thống nhất đồng bộ để quản lý các loài dịch hại, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt mức cho phép".

Ông Lê Minh Phụng - Giám đốc Kinh doanh, Tập đoàn kho lạnh AJ Total Hàn Quốc nêu ý kiến: "Khâu để tăng giá trị cho mặt hàng trái cây theo tôi nghĩ không phải cứ tập trung vào việc tăng giá mà có thể chú ý đến vùng nguyên liệu sản xuất phải là vùng sản xuất lớn, tiết kiệm chi phí liên quan đến logistic. Ngoài việc tăng giá, phải chú ý đến việc sản xuất, chế biến, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm đó".

Theo doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng. Nước này cũng đang tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của nước ta. Điển hình là thanh long, sầu riêng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường và tuân thủ các quy định trong Nghị định thư đã ký để có thể nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước